Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nêu phép tính, giá phân bón tăng cao khiến mỗi kg lúa sẽ đội lên 4% tương ứng 220 đồng, 1 ha có năng suất 7 tấn lúa sẽ bị đội giá thành lên tương ứng hơn 1,5 triệu đồng.
Theo báo cáo mới đây của Agriseco Research, tới tháng 9, giá tất cả các loại phân bón đều đã tăng rất mạnh kể từ đáy hồi tháng 5/2020, trong đó DAP tăng 125%, ure tăng 121%, phân lân tăng 130%. Nguyên nhân là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất các loại phân bón có sự tăng giá mạnh lưu huỳnh, khí thiên nhiên hay than do sự đứt gãy nguồn cung bởi tác động của dịch bệnh Covid. Bên cạnh đó, cước vận tải biển tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua đã đẩy chi phí sản xuất các loại phân bón tăng cao.
Giá phân bón tăng cao trong thời gian vừa qua. Ảnh: Agra.org
Thêm vào đó, Trung Quốc đã có những chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, trong bối cảnh Trung Quốc luôn chiếm khoảng 40%-50% tổng lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam, điều này đã làm cho giá phân bón cả quốc tế lẫn trong nước tăng cao. |
Trước tình trạng giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến người nông dân, đến sản xuất nông nghiệp Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng mới đây có đề xuất về việc giảm sử dụng phân bón. Cụ thể là chỉ bón 50% lượng phân theo nhu cầu, thậm chí có thể chỉ bón 30% để giảm áp lực của giá phân bón tăng cao như hiện nay.
Theo ông Lê Thanh Tùng, khi giảm phân thì năng suất cũng sẽ giảm, nhưng không đến mức nhà nông không còn gì để thu hoạch. Bởi nếu thấp nhất, không bón gì hết, nhà nông cũng có thể thu được từ 3,5 tấn/ha, thậm chí 4 tấn/ha.
Ông Tùng cũng khuyến cáo bà con nông dân nên cân nhắc về mức độ đầu tư, lợi nhuận sẽ thu lại được để tính toán giải bài toán chi phí phân bón ở vụ đông xuân 2021 - 2022 theo cách trên.
Còn theo ông Phạm Thái Bình, nguyên nhân khiến giá phân bón tăng là một số nguyên liệu để sản xuất ra phân bón như amoniac phải nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều nhà máy dùng nguyên liệu từ khí khai thác tại Việt Nam, ít chịu tác động của giá nguyên liệu tăng cao.
Theo ông Bình, doanh nghiệp thì có vốn quay vòng, nhưng nông dân thì tiềm lực kinh tế không mạnh. Nông dân là đối tác, là khách hàng của doanh nghiệp sản xuất phân bón, nên các doanh nghiệp này cần quan tâm chăm sóc, chia sẻ khó khăn cùng nông dân.