Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên ngày 8/6 giảm 0,7% so với phiên liền trước, xuống 1.149 CNY (179,81 USD)/tấn, sau khi trước đó trong cùng phiên có lúc giá giảm 4,5% xuống mức thấp nhất kể từ 1/6, là 1,106 CNY (173,03 USD)/tấn. Đây là phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp, sau khi đã mất 1,9% trong ngày 4/6 và mất tiếp 4,4% trong ngày 7/6.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 7 trên sàn Singapore ngày 8/6 cũng giảm tiếp 2%, sau khi đã giảm 3,5% trong phiên 7/6.
Nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc - thị trường chiếm hơn một nửa sản lượng thép thế giới - tháng 5/2021 chỉ đạt 89,79 triệu tấn, thấp hơn 8,9% so với mức 98,57 triệu tấn nhập khẩu trong tháng 4 và 102,11 triệu tấn nhập khẩu trong tháng 3.
Tuy nhiên, nếu so với tháng 5/2020 thì nhập khẩu quặng sắt trong tháng 5/2021 vẫn cao hơn 3,2%; tổng nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm cũng tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 471,77 triệu tấn.
"Giá thép giảm mạnh đã khiến lợi nhuận của các nhà máy thép giảm theo", thông tin từ Sinosteel Futures cho biết.
Theo các nhà phân tích của Sinosteel Furures, nhu cầu thép ở Trung Quốc đã chậm lại và gây ra "sự biến động lớn cho thị trường trong ngắn hạn".
Song, mặc dù giảm, giá quặng sắt vẫn ở mức tương đối cao. Cụ thể là giá hợp đồng tham chiếu trên sàn Đại Liên đã tăng khoảng 17% so với mức thấp nhất gần đây của ngày 27/5, trong khi giá quặng 62% nhập khẩu giao ngay tại cảng biển Trung Quốc vẫn ở trên 200 USD/tấn, theo dữ liệu của SteelHome (phiên 7/6, giá quặng sắt 62% nhập khẩu ở mức 203 USD/tấn, giảm 4 USD/tấn so với ngày 4/6 và mất 12% so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 5).
Giá quặng sắt nhập khẩu tới cảng biển Trung Quốc vẫn ở mức cao
Mặt khác, nhìn từ khía cạnh nguyên nhân dẫn tới nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc giảm thì thấy chủ yếu bởi lượng cung từ các nhà cung cấp giảm do yếu tố mùa vụ, trong khi nhu cầu quặng sắt tăng trên toàn cầu, khiến lượng cung cho Trung Quốc sụt giảm.
Được biết, nguồn cung quặng sắt từ 2 nước cung cấp lớn nhất thế giới là Australia và Brazil thường giảm do yếu tố mùa vụ như thời tiết xấu…
Nhà phân tích Wang Yingwu,của công ty Huatai Futures ở Bắc Kinh, cho biết nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi cũng đồng nghĩa với nhu cầu cao nguyên liệu thép tăng ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc.
Ông Wang cho biết: "Tỷ lệ quặng sắt xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc giảm rất mạnh trong thời gian gần đây, và chúng ta có thể sẽ thấy xu hướng giảm sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới", đề cập đến tiêu thụ mạnh mẽ ở các nước khác, và dựa trên cơ sở lượng nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2020 ở mức rất cao.
Những thông tin đó càng củng cố quan điểm rằng nguồn cung quặng sắt trên toàn cầu vẫn bị thắt chặt – là yếu tố then chốt khiến giá luôn ở mức cao.
Hôm 4/6, Công ty khai thác quặng sắt hàng đầu thế giới, Vale SA của Brazil, đã thông báo về việc đóng cửa một số mỏ mới sẽ khiến sản lượng của hãng giảm 40.000 tấn mỗi ngày.
Atilla Widnell, giám đốc điều hành của Navigate Commodities ở Singapore, cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến cán cân cung – cầu quặng sắt toàn cầu.
Thực tế đúng là mưa nhiều ở một số khu vực thuộc miền đông và nam Trung Quốc đã dẫn tới sự gián đoạn trong việc vận chuyển thép xây dựng cũng như ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng ở những khu vực này, làm cho nhu cầu thép thanh vằn chậm lại.
Giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải sau khi tăng ở phiên 4/6 đã quay đầu giảm trong 2 phiên tiếp theo, giảm 4,2% trong phiên 7/6 và giảm tiếp 1,8% phiên 8/6.
Tương tự, giá thép cuộn cán nóng cũng giảm 4,1% trong ngày 7/6, giảm tiếp 1,7% trong ngày 8/6, xuống mức thấp nhất kể từ 1/6.
Riêng thép không gỉ giảm từ 4/6 và tiếp tục giảm đến ngày 8/6, mất tổng cộng 6,6% trong 3 phiên gần đây.
Giá phôi thép tại Đường Sơn (Trung Quốc) hiện giao dịch ở mức 4.990 CNY/tấn, giảm 10 CNY so với cuối tuần trước.
Tồn trữ thép xây dựng ở Trung Quốc tuần qua giảm mạnh, cho thấy nhu cầu đang chậm lại bởi dự báo mùa mưa đến sẽ cản trở hoạt động ở các tỉnh miền nam, trong khi nhiệt độ tăng cao ở các tỉnh miền Bắc cũng ảnh hưởng tới các hoạt động tương tự.
Tuy nhiên, giá thép giảm cũng có một nguyên nhân nữa, đó là nhập khẩu thép vào Trung Quốc đang tăng. Theo đó, nhập khẩu thép trong tháng 5 ở mức 1,21 triệu tấn, tăng 2,7% so với tháng 4/2021.
Dữ liệu cũng cho thấy xuất khẩu thép tháng 5 của Trung Quốc giảm 33,9% so với tháng trước xuống còn 5,27 triệu tấn. Điều này xảy ra sau khi Bắc Kinh hủy bỏ việc hoàn thuế đối với hầu hết các mặt hàng thép xuất khẩu kể từ ngày 1/5 để đảm bảo nguồn cung kim loại cho lĩnh vực công nghiệp.
Mặt khác, thông tin từ ngành thép địa phương cho biết, sản lượng thép thanh vằn của Trung Quốc trong tuần kết thúc vào ngày 3/6 đã tăng 13.000 tấn so với tuần trước đó, đạt 3,72 triệu tấn, và giá thép giảm khiến một số thương nhân địa phương đang tranh thủ tích trữ hàng để dùng trong dịp tháng 7 - tháng 8 và những tháng cuối năm (tháng 9-10) khi nhu cầu vào mùa tăng mạnh.
Do đó, Giám đốc điều hành của Navigate Commodities ở Singapore , ông Atilla Widnell, cho rằng có thể còn hơi sớm để lo lắng về nhu cầu thép ở Trung Quốc. Ông Widnell nói: "Chúng tôi khuyên bạn nên đợi thêm hai tuần nữa để xác nhận liệu nhu cầu thép xây dựng (ở Trung Quốc) có đang giảm tốc theo mùa vụ hay không".
Dữ liệu của SteelHome cho thấy tồn kho thép cây của Trung Quốc đã giảm hơn 40% so với mức cao nhất đạt được vào tháng 3 vừa qua, trong khi tồn trữ thép cuộn cán nóng của nước này - được sử dụng trong sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng – vẫn dao động quanh mức của 5 tuần gần đây.
Tồn trữ sản phẩm thép của Trung Quốc
Trong nước, giá thép sau nhiều phiên giữ vững, từ 7/6 bắt đầu giảm, tiếp tục giảm trong phiên 8/6. Nhiều thương hiệu như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức…đã có thông báo tới khách hàng giảm mạnh giá các sản phẩm của hãng.
Trong khi giá thép ở Trung Quốc mấy tuần qua có xu hướng giảm thì giá thép ở Châu Âu vẫn tiếp tục tăng.
Các nguồn tin địa phương cho biết xu hướng giảm của thị trường thép dài toàn cầu không ảnh hưởng nhiều đến thị trường EU, nơi giá được hỗ trợ bởi nhu cầu của người tiêu dùng khâu cuối đang mạnh mẽ trong khi nguồn cung hạn chế và chi phí nguyên liệu thô tăng cao.
Dữ liệu của Fastmarkets cho thấy giá thép thanh vằn giao tại Nam Âu hiện ở mức 740 – 760 EUR (905-929 USD)/tấn, tăng so với 730-750 EUR cách đây một tuần.
Tại Italy, giá chào bán thép thanh vằn xuất xưởng loại 12 mm là 470-475 EUR/tấn, tăng 10 EUR so với cách đây một tuần. Các nguồn tin địa phương cho biết hoạt động xây dựng tại Italy đã bắt đầu chậm dần lại do chi phí vật liệu cao, bao gồm cả thép thanh vằn. Tuy nhiên, hầu hết các nguồn tin đều cho rằng giá sẽ còn tiếp tục tăng trong tháng 6, sẽ lên khoảng 500 EUR/tấn.
Tại Tây Ban Nha, giá thép thanh vằn 2 tuần qua ổn định ở mức 740-750 EUR/tấn. Xu hướng giá thép giảm ở Trung Quốc cũng không tác động tới thị trường Tây Ban Nha bởi nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng đang cao.
Reuters dẫn một nguồn tin địa phương ở Tây Ban Nha cho biết: "Nhu cầu thép cây ở thị trường này vẫn mạnh, và hoàn toàn không có lý do gì để giảm. Người mua lo sợ khan hàng nên người bán không cần giảm giá", đồng thời cho biết: "Giá ở Trung Quốc giảm là do yếu tố đầu cơ, còn nhu cầu thép thanh ở Châu Âu đến từ lĩnh vực tiêu thụ chứ không phải do đầu cơ. Các nhà máy Tây Ban Nha đã nhận đủ đơn hàng cho tháng 7".
Tham khảo: Reuters