Giá hợp đồng giao tháng 8 tăng 2,4% xuống 88,52 USD/tấn vào lúc 12h00 hôm nay (giờ Hà Nội) tại Singapore, và có thể chốt phiên ở mức thấp nhất kể từ ngày 2/4. Kể từ đầu tuần, giá đã giảm 14%, mức lớn nhất kể từ tháng 11/2016.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc), giá tương lai cũng giảm 3,9% xuống 634,5 nhân dân tệ/tấn (89,99 USD/tấn). Giá giảm 12% kể từ đầu tuần này.
Diễn biến giá quặng sắt. Ảnh: Bloomberg.
Giá quặng sắt giảm mạnh vì một loạt yếu tố tiêu cực như nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu, căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và nguồn cung từ Brazil và Australia phục hồi.
Ngoài ra, các nhà máy thép tại Trung Quốc cũng đang chật vật vì nhân dân tệ mất giá mạnh do ngân hàng trung ương liên tiếp hạ tỷ giá trung tâm trong 7 ngày liên tiếp. Hiện tại, biên lợi nhuận của các nhà máy đang ở vùng tiêu cực.
"Một số công ty lớn đang bán tháo quặng sắt với giá thấp, và không có dấu hiệu nào cho thấy giá sẽ thoát đáy. Các nhà máy thép tại Trung Quốc vẫn đứng ngoài lề với kỳ vọng giá sẽ giảm sâu thêm", công ty môi giới Shanghai Cifco cho biết.
Ngân hàng trung ương Australia và Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cảnh báo giá quặng sắt sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Công ty khai thác quặng Fortescue cũng dự báo nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc trong nửa sau của năm 2019 sẽ vẫn yếu ớt.
Ngược lại, theo dự đoán của ngân hàng ANZ, giá quặng sắt có thể ổn định ở gần 100 USD/tấn và chịu áp lực thiếu cung tới năm 2020.
Giá vật liệu thô giảm kéo theo giá thép. Trên Sở giao dịch Hàng hóa Thượng Hải, giá thép thanh giảm 1,6% xuống 3.612 nhân dân tệ/tấn, và giá thép cuộn cán nóng giảm 3,9% xuống 3.600 nhân dân tệ/tấn. Trong đó, giá thép thanh giảm 5,4% kể từ đầu tuần và hướng tới tuần giảm thứ 3.