Phiên sáng 2/7, giá quặng sắt giao tháng 9 tại sở giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 4,6% lên 894,5 nhân dân tệ/tấn (130,37 USD/tấn), ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Đây là mức giá cao nhất kể từ khi sở giao dịch Đại Liên ra mắt hợp đồng này vào năm 2013.
Giá quặng sắt giao ngay cũng chạm đỉnh 5 năm 119,7 nhân dân tệ/tấn trong phiên 1/7.
Thị trường quặng sắt ghi nhận quý II là quý tăng giá mạnh nhất kể từ cuối năm 2016, chủ yếu do dự đoán nguồn cung tại Trung Quốc vẫn bị hạn chế trong nửa sau của năm 2019.
“Nhìn chung, chúng tôi vẫn bi quan vào nguồn cung quặng sắt trong ngắn hạn”, ông Hui Heng Tan, chuyên gia phân tích tại công ty môi giới Marex Spectron, cho biết.
Tính đến ngày 28/6, tồn kho quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc chỉ đạt 115,25 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017, theo số liệu của HomeSteel. Nguồn cung từ Brazil giảm vì Tập đoàn khai khoáng Vale phải đóng cửa một số mỏ quặng để kiểm tra an toàn lao động sau sự cố vỡ đập hồi tháng 1. Trong khi đó, hoạt động khai quặng tại Australia cũng gặp trục trặc và thời tiết bất lợi.
Giới chuyên gia dự đoán thị trường quặng sắt thế giới sẽ thiếu hụt nguồn cung tới năm 2020.
Giá quặng sắt liên tiếp lập đỉnh vì nguồn cung thiếu hụt, trong khi giá thép giảm vì dự đoán chính phủ sẽ không thực hiện các biện pháp kích thích mới và quy mô lớn. Ảnh: Reuters.
Trái ngược với quặng sắt, giá thép tại Trung Quốc giảm sau khi ông Ma Jun, cố vấn cho ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết khả năng tăng trưởng GDP năm 2019 trên mức 6% là rất lớn nếu căng thẳng thương mại không diễn biến xấu đi.
“Khi đó, chúng ta không cần phải thực hiện các biện pháp kích thích mới và quy mô lớn nữa”.
Giá thép xây dựng giao tháng 10 tại sở giao dịch hàng hóa Thượng Hải giảm 2,1% xuống 4.023 nhân dân tệ/tấn. Sau 9 phiên tăng liên tiếp, giá thép từng lên đỉnh hơn 8 năm trong hôm qua.
Ngoài ra, giá thép cuộn cán nóng cũng rời đỉnh, giảm 2,7% xuống 3.882 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép được hỗ trợ phần lớn trong năm nay bởi kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng khi Trung Quốc ban hành các biện pháp kích thích kinh tế. Trong khi đó, nguồn cung bị thắt chặt vì chính phủ siết quy định hạn chế sản xuất công nghiệp để cải thiện chất lượng môi trường.
Trung Quốc sẽ yêu cầu chính quyền địa phương nâng mức tiêu chuẩn mà các dự án công nghiệp mới phải đáp ứng, đồng thời giảm số lượng nhà máy gây ô nhiễm tại khu vực có điều kiện môi trường đang suy giảm, Reuters trích lời một quan chức.