Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) đóng cửa phiên giao dịch 7/5 tăng 6,4% lên 1.226,5 CNY (189,78 USD)/tấn, trong phiên có lúc giá đạt tới 1.231 CNY/tấn.
Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 6 tăng 3,9% lên 203 USD/tấn.
Đặc biệt, quặng sắt giao ngay nhập khẩu vào cảng biển Trung Quốc tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày.
Cụ thể, Mysteel báo giá quặng sắt Australia hàm lượng 62% CFR cảng Tần Hoàng Đảo phiên 6/5 là 201,15 USD/tấn, tăng 10,95 USD/tấn so với phiên giao dịch liền trước đó (30/5) và là mức cao nhất kể từ khi Mysteel báo giá nguyên liệu này, tháng 1/2010.
Như vậy, trong tuần này, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng khoảng 9% mặc dù nghỉ lễ 3 phiên đầu tuần, là tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 12/2021.
Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc đã tăng rất mạnh, nhất là các loại quặng chất lượng cao và ít gây ô nhiễm môi trường.
"Việc thành phố Đường Sơn gần đây buộc các cơ sở sản xuất thép phải cắt giảm sản lượng đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu đối với quặng chất lượng cao và thúc đẩy các nhà máy xây dựng kho dự trữ quặng sắt trong bối cảnh lợi nhuận từ sản xuất thép đang tăng mạnh nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu", nhà phân tích thép chính của CRU Group, Erik Hedborg, ở London cho biết khi đề cập đến thành phố sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc - Đường Sơn, nơi đã thực hiện các tiêu chuẩn nghiêm ngặt chống ô nhiễm môi trường.
Trung Quốc cũng đã thông báo sẽ thắt chặt kiểm soát hoạt động sản xuất thép ở các khu vực bị ô nhiễm không khí chính bằng những quy định mới sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/6. Những cơ sở sản xuất thép có công nghệ thấp, lạc hậu cũng như năng lực nấu chảy hợp kim sắt thấp sẽ không được tiếp tục hoạt động kể từ 1/6.
Lo ngại căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Australia cũng góp phần đẩy giá quặng sắt tăng. Trung Quốc ngày 6/5 tuyên bố đình chỉ "vô thời hạn" tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế chiến lược giữa nước này với Australia, động thái được cho là bước lùi nghiêm trọng trong mối quan hệ vốn đang chìm sâu trong khủng hoảng giữa hai nước.
Giá quặng sắt tăng đẩy giá thép tăng theo, cũng đạt kỷ lục cao mới. Hôm nay 7/5, giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải tăng 1,1% so với mức 5.672 CNY/tấn của phiên hôm qua; thép cuộn cán nóng tăng 1,4% so với mức 5.957 CNY/tấn của phiên 6/5, trong khi thép không gỉ tăng 0,4%.
Giá than bùn luyện cốc và than cốc trên sàn Đại Liên cũng tăng lần lượt 3,3% và 2,7%, sau khi tăng lần lượt 8% và 5,6% trong phiên hôm qua.
Giá quặng sắt cao cấp đạt mức cao chưa từng có trong lịch sử
Trong nước, giá thép liên tục tăng từ đầu năm đến nay, đã tăng 40-50%, hiện thép xây dựng nhập vào các đại lý lên đến 18.200 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với nửa tháng trước và tăng khoảng 5.000 đồng so với hồi đầu năm. Đây là mức tăng mạnh và các nhà máy liên tục chào giá mới tới các đại lý. So với thời điểm này năm 2019 và 2020, giá chỉ khoảng từ 12.000 - 13.000 đồng/kg thì giá thép hiện đã tăng khoảng 50%.
Nhập khẩu sắt thép cũng tăng mạnh. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý 1/2021, cả nước nhập khẩu trên 3,68 triệu tấn sắt thép, tương đương 2,65 tỷ USD, giá trung bình đạt 719,7 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với quý 1/2020 với mức tăng tương ứng 11,2%, 32,2% và 18,9%. Riêng tháng 3/2021, nhập khẩu1,43 triệu tấn sắt thép, tương đương trên 1,08 tỷ USD, giá trung bình 756,3 USD/tấn, tăng 39,4% về lượng, tăng 49,2% về kim ngạch, tăng 7% về giá so với tháng 2/2021; so với tháng 3/2020 cũng tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 7%, 32% và 23% .
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam có tới 50% xuất xứ từ Trung Quốc, với 1,88 triệu tấn trong quý I năm nay, tương đương 1,27 tỷ USD, giá 675,2 USD/tấn, tăng mạnh 102% về lượng, tăng 120,7% về kim ngạch, tăng 9% về giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường Nhật Bản đứng thứ 2 với 508.616 tấn, tương đương 369,24 triệu USD, giá nhập khẩu 726 USD/tấn, giảm 16,9% về lượng nhưng tăng 3% về kim ngạch, tăng 24% về giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 14% trong tổng lượng và trong tổng kim ngạch; thị trường Hàn Quốc đứng thứ 3 với 398.366 tấn, trị giá 359,39 triệu USD, giá 902,2 USD/tấn, giảm 18,4% về lượng, nhưng tăng 2,8% về kim ngạch và tăng 26% về giá so với 3 tháng đầu năm 2020, chiếm 10,8% trong tổng lượng và chiếm 13,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Tham khảo: Reuters