Tại Việt Nam các nhà máy chế biến tinh bột sắn đang thiếu nghiêm trọng sắn lát, giá sắn lát và sắn nguyên liệu đang tăng. Dự báo giá sắn sẽ còn tăng mạnh vào cuối năm 2021.
Giá sắn sẽ tăng kỷ lục vào cuối vụ 2020-2021
Hiệp hội sắn Việt Nam dự báo, giá sắn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện tại trong một thời gian nữa, vì nguồn cung tinh bột sắn giảm mạnh. Còn theo các nhà máy chế biến sắn, thời điểm cuối vụ 2020-2021 và trước khi có sắn vụ mới 2021-2022 giá sắn có thể tăng lên mức kỷ lục.
Giá tinh bột sắn xuất FOB tại TP.HCM đang dao động từ 520-550 USD/tấn, giá sắn lát FOB tại Quy Nhơn 270 USD/tấn. Giá thu mua sắn nguyên liệu (trữ bột 30%) tại cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) dao động 3.300 – 3.400 đồng/kg, miền Trung và Tây Nguyên dao động 2.700 – 2.800 đồng/kg. Các nhà máy tinh bột sắn ở khu vực miền Trung và miền Nam tăng công suất do giá tinh bột thành phẩm, giá phụ phẩm đều cao.
Nguyên nhân thiếu hụt nguồn sắn lát là do giá tinh bột sắn và ngô tăng mạnh nên nhiều nhà máy Trung Quốc ưu tiên sử dụng sắn lát về nghiền. Hiện giá chào bán sắn lát đi Trung Quốc tại Quy Nhơn khoảng 270 USD/tấn.
Có nhiều dấu chỉ cho thấy, trong năm 2021 nhu cầu sử dụng tinh bột sắn để sản xuất cồn ethanol tại Trung Quốc và Thái Lan sẽ tăng mạnh, vì do giá dầu thô đang. Bang Texas (Mỹ) đang chìm trong bão tuyết ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà máy lọc dầu tại đây, lượng dầu tồn kho sụt giảm tại Mỹ và nhu cầu sử dụng dầu trong mùa đồng giá rét bất thường chỉ có trong 20 năm.
Một yếu tố quan trọng nữa là sau hơn 3 tháng vaccine Covid-19 được tiêm ngừa rộng rải trên thế giới, tổng số ca mắc đã giảm đi rất đáng kể, chứng tỏ vaccine đã có hiệu quả đẩy lùi Covid-19.
Trong năm 2021 nếu Mỹ và Châu Âu đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 80% dân số, thì nền kinh tế khu vực này sẽ trở lại hoạt động bình thường, nhu cầu dầu thô sẽ tăng mạnh do kinh tế hồi phục phát triển.
Thái Lan còn là đối thủ của sắn Việt Nam tại thị trường Trung Quốc trong năm 2021?
Tại Thái Lan, đầu tháng 2/2021 đến nay, Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan thông báo giữ ổn định giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn ở mức 475 USD/tấn, và giá thu mua tinh bột sắn nội địa cũng được giữ ở mức 13,5 Baht/kg. Trong khi đó, Hiệp hội Nhà máy sản xuất khoai sắn Thái Lan điều chỉnh giá sàn xuất khẩu sắn lát lên mức 260-265 USD/tấn FOB-Bangkok, tăng 5 USD/tấn so với cuối tháng 1/2021.
Tổng sản lượng khoai sắn của Thái Lan trong niên vụ 2020-2021 dự kiến là 28 triệu tấn, trong khi nhu cầu sẽ là 40 triệu tấn. Nước này cần nhập khẩu 9-10 triệu tấn mỗi năm từ các nước láng giềng. Bộ Ngoại thương và Bộ Nội thương Thái Lan cho biết sẽ tăng cường giám sát việc xuất nhập khẩu và vận chuyển tinh bột sắn nhằm bình ổn giá trong nước.
Các chuyên gia dự báo, nhu cầu sắn của Trung Quốc sẽ không giảm so với năm 2020, có thể sẽ tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Còn Thái Lan, sản lượng sắn trong nước đang thiếu hụt so với nhu cầu sản xuất cồn ethanol, nên nước này đang cạnh tranh thu mua sắn nguyên liệu với Việt Nam tại Campuchia và Lào để bù vào sản lượng thiếu hụt.
"Trong năm 2020, mặc dù Trung Quốc chiếm trên 90% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước, nhưng Thái Lan mới là thị trường cung cấp sắn số 1 cho Trung Quốc còn Việt Nam chỉ đứng thứ hai. Tuy nhiên, trong năm 2021, có khả năng Thái Lan không còn là đối thủ của sắn Việt Nam tại thị trường Trung Quốc", một chuyên gia phân tích thị trường cho biết.
Theo Tổng cục Hải quan, sơ bộ trong 15 ngày đầu tháng 2/2021 Việt Nam xuất khẩu được 92.791 tấn sắn và các phản phẩm từ sắn, giá trị ước đạt 36 triệu USD. Giảm mạnh so với tháng 1/2021 , giảm 60% về sản lượng và 55% về giá trị. Lũy kế từ đầu năm đến 15/2/2021 Việt Nam xuất khẩu được 564.780 tấn, thu về 210,3 triệu USD, tăng 189% về sản lượng và 210% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 2/2021 giảm mạnh so với tháng 1/2021, là thời điểm nghĩ Tết và đợt dịch Covid-19 thứ 3 bùng phát tại 13 tỉnh thành trong đó có tỉnh Gia Lai nên nhiều nhà máy phải cho công nhân nghĩ Tết sớm. Cộng với nguồn nguyên liệu sắn lát và sắn nguyên liệu khan hiếm, nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chứng nên khối lượng sắn xuất khẩu.
Năm 2020, xuất khẩu tinh bột sắn đạt 2,16 triệu tấn, trị giá 872,03 triệu USD, tăng 1,3% về lượng, nhưng giảm 1,8% về trị giá so với năm 2019, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm 94,37% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, tương đương 2,04 triệu tấn, trị giá 820,15 triệu USD, tăng 3,8% về lượng và tăng 0,6% về trị giá so với năm 2019.
Lượng sắn lát khô xuất khẩu đạt 594,53 nghìn tấn, trị giá 134,9 triệu USD, tăng 97,4% về lượng và tăng 87% về trị giá so với năm 2019. Sắn lát khô xuất chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 83,53% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước, với 496,59 nghìn tấn, trị giá 107,26 triệu USD, tăng 147% về lượng và tăng 143,5% về trị giá so với năm 2019.