Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn nửa đầu tháng 3/2021 đạt 183.032 tấn với kim ngạch 76,363 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 9,18% về lượng và tăng 18,93% về kim ngạch.
Cộng dồn từ ngày 1/1 đến 15/3 đạt 866.849 tấn, với kim ngạch 319,572 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 43,68% về lượng và tăng 60,03% về kim ngạch.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng cả lượng và giá trị
Riêng trong tháng 2/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 218,77 nghìn tấn, trị giá 79,87 triệu USD, giảm 53,7% về lượng và giảm 54,3% về trị giá so với tháng 1/2021; so với tháng 2/2020 giảm 2,8% về lượng, nhưng tăng 13% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 365,1 USD/tấn, giảm 1,1% so với tháng 1/2021, nhưng tăng 16,3% so với tháng 2/2020.
Giá sắn xuất khẩu bình quân ở mức 254,4 USD/tấn, tăng 5,1% so với tháng 1/2021 và tăng 12,2% so với tháng 2/2020. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn đạt 270,3 nghìn tấn, trị giá 66,7 triệu USD, tăng 71,1% về lượng và tăng 102,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 2/2021
Hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến sắn tại Việt Nam chạy máy trong tình trạng thiếu nguyên liệu, cho dù vụ sản xuất 2020 - 2021 theo thông lệ hàng năm còn kéo dài vài tháng nữa. Theo đánh giá của một số nhà máy, thời điểm cuối vụ 2020 - 2021 và trước khi có sắn vụ mới 2021 - 2022, giá sắn có thể tăng lên mức kỷ lục.
Tại thị trường trong nước, theo một thương lái do nội địa đang hút, xuất cũng được nên giá sắn tươi trong nửa đầu tháng 3/2021 tại Tây Ninh đang "lập kỷ lục" mới với giá thu mua "chưa từng có", xấp xỉ 3.300 - 3.400 đồng/kg loại 30 chữ bột. Giá cao nhất mấy năm nay.
Hiện phần lớn diện tích sắn Tây Ninh chưa đến thời điểm thu hoạch, giá sẽ giữ ở mức cao như hiện tại vì nguồn cung sản lượng Tinh bột sắn giảm mạnh. Với giá sắn nguyên liệu như hiện nay, nông dân lãi rất cao, với năng suất 30 - 40 tấn củ/ha, người nông dân sẽ bán được khoảng 100 triệu đồng/ha.
Hiệp hội sắn Việt Nam (VICaAs) cho biết, thiên tai, bão lụt đã làm giảm đáng kể diện tích trồng sắn nên sản lượng củ sắn trong cả nước sụt giảm mạnh. Đồng thời, bệnh khảm lá chưa được xử lý, ngăn chặn triệt để nên tiếp tục gây hại trên cây sắn, làm giảm đáng kể năng suất. Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nên việc qua lại biên giới, việc nhập khẩu sắn tươi từ Campuchia vào Tây Ninh gặp khó khăn, càng khiến cho sắn nguyên liệu trở nên khan hiếm.
Chế biến sâu giúp sắn Tây Ninh có đầu ra ổn định
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thông tỉnh Tây Ninh - địa phương có diện tích trồng sắn và nhà máy chế biến sắn nhiều nhất nước cho biết, diện tích sắn năm 2020 đạt 57.150 ha, với sản lượng 1,857,399 tấn, năng suất bình thường đạt 32,5 tấn/ha. Riêng vụ Đông xuân 2020 – 2021 diện tích sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt 33.340 ha, cây sắn đang trong giai đoạn 5 - 6 tháng.
Tại tỉnh Tây Ninh hiện có khoảng 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn, tổng công suất khoảng 6,4 triệu tấn củ/năm, trong 5 năm nay công suất chế biến của các nhà máy lúc nào cũng vượt nguồn cung nên thường chỉ hoạt động từ 6 - 8 tháng /năm, nhưng sau này nhờ nguồn sắn từ Campuchia và tỉnh lân cận về đã đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy. Sắn là ngành nhập thô xuất tinh và đem lại ngoại tệ nhờ lực lượng các nhà máy chế biến hùng hậu.
Lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 - 2021
(ĐVT: Nghìn tấn)
Trong số 65 nhà máy có 10 nhà máy chế biến sâu, nguồn nguyên liệu trong tỉnh đáp ứng khoảng 50%. Các sản phẩm chế biến sau tinh bột sắn của các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chủ yếu là: Bột biến tính (loại biến tính), Mạch Nha, Đường Fructo... Ước khối lượng sắn củ đưa vào chế biến năm 2020 khoảng 3.725.376 tấn, tăng 3,52% so với cùng kỳ, sản xuất được 931.318 tấn bột. Đây là yếu tố giúp sắn Tây Ninh có đầu ra ổn định.
Theo VICaAs, các nhà máy chế biến sắn đang thiếu nguyên liệu dù vụ sản xuất 2020/21 theo thông lệ hàng năm còn kéo thêm vài tháng nữa. Theo nhận định từ các thương nhân, giá sắn sẽ giữ mức cao vì nguồn cung giảm. Nguồn sắn lát thu mua nhập kho vụ 2020-2021 của Việt Nam ở mức thấp, trong khi giá tinh bột sắn và giá ngô tăng dẫn đến các nhà máy của Trung Quốc ưu tiên sử dụng sắn lát nghiền.