Giá thép thanh, dùng trong xây dựng, kỳ hạn giao tháng 10 trên sàn Thượng Hải kết thúc phiên 19/5 giảm 5,6% xuống 5.309 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng, dùng trong chế tạo, cũng giảm 5,2% xuống 5.678 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 30/4.
Công ty GF Futures viết trong một thông điệp gửi tới các khách hàng của mình rằng: “Trên thị trường vẫn không có thông tin nào khác ngoài chủ trương cắt giảm sản lượng (thép). Hoạt động giao dịch đã chuyển từ các dự đoán sang thực tế”.
Với việc thị trường sử dụng thép, nhất là ngành xây dựng, sắp bước vào mùa thấp điểm, giá thép xây dựng khó có thể lập đỉnh cao mới vì vốn đã ở mức rất cao.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia cho thấy, số công trình xây dựng mới của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đã tăng 12,8% so với một năm trước đó, thấp hơn mức tăng 28,2% của quý I/2021.
Giá nguyên liệu sản xuất thép hôm qua cũng giảm khá mạnh. Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 3,3% xuống 1.193 CNY/tấn lúc kết thúc phiên giao dịch; than luyện cốc giảm 1,7% xuống 1.927 CNY/tấn; trong khi than cốc giảm 2,8% xuống 2.572 CNY/tấn.
Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên hôm qua cho biết sẽ điều chỉnh mức cộng/trừ đối với giá các loại tinh quặng sắt Pilbara, Brazil và Carajas (Pilbara Blend Fines, Brazilian Blend Fines and Carajas iron ore fines) thành 15 CNY (2,33 USD)/tấn; mức cộng/trừ đối với quặng sắt của các thương hiệu khác kỳ hạn tương lai sẽ ở mức 0 CNY/tấn. Mức thay đổi này sẽ có hiệu lực đối với những hợp đồng kỳ hạn từ tháng 5/2022 trở đi.
Trong một tuyên bố riêng khác trên trang web của mình, Sàn Đại Liên cho biết họ sẽ giảm mức quy định về hàm lượng sắt trong quặng tiêu chuẩn từ 62% xuống 61% theo như kế hoạch công bố vào tuần trước, đồng thời chú trọng hơn đến chất lượng các sản phẩm thay thế quặng.
Trong bối cảnh thị trường sắt thép nóng lên gần đây, ngày 18/5, cơ quan hoạch định chính sách quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường thép và quặng sắt, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng giá sắt thép tại các nhà máy ở nước này sẽ giảm trong nửa cuối năm nay, khi giá hàng hóa nói chung trở lại đúng mức giá thực trên nguyên tắc cơ bản.
Không chỉ riêng ngành thép, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu lo ngại về việc chi phí mọi thứ đều tăng vì điều đó có thể ảnh hưởng đến đà hồi phục kinh tế nước này.
Theo trang web chính thức của Chính phủ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhiều lần đề cập đến "giá hàng hóa tăng" và áp lực đối với các doanh nghiệp nhỏ trong các cuộc họp cấp nhà nước gần đây.
"Chúng ta phải ... đối phó với sự gia tăng quá nhanh của giá hàng hóa và những tác động của nó", Ông Lỹ đã nói với Hội đồng Nhà nước tại cuộc họp điều hành hôm thứ Tư tuần trước. Theo ông, những nỗ lực như vậy là cần thiết để "giữ cho nền kinh tế vận hành trơn tru."
Trung Quốc vẫn đang xuất khẩu rất nhiều thép, nhưng Chính phủ bắt đầu không khuyến khích điều đó nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước. Các nhà chức trách hồi tháng 4 đã thông báo rằng bắt đầu từ tháng này, họ sẽ chấm dứt việc giảm thuế xuất khẩu đối với hầu hết các sản phẩm thép. Các quan chức hải quan cũng đã cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại thép.
Trong khi đó, các chính quyền địa phương đã áp dụng những biện pháp nghiêm khắc để giảm giá. Cuối tuần trước, các cơ quan quản lý ở Thượng Hải và trung tâm sản xuất thép Đường Sơn đã triệu tập các nhà máy thép lớn và yêu cầu họ ấn định giá "ở mức hợp lý".
Các sàn giao dịch kỳ hạn lớn ở Thượng Hải, Đại Liên và Trịnh Châu cũng đã thắt chặt các quy tắc giao dịch đối với các hợp đồng thép hoặc than, đồng thời tăng phí giao dịch để hạ nhiệt thị trường. Hiệp hội Phân phối và Vận tải Than Trung Quốc cũng đã dừng thông báo 3 chỉ số giá than chủ chốt hàng ngày để giữ ổn định thị trường… Và sau những nỗ lực đó, thị trường sắt thép đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tham khảo: Reuters, Cnn