Giá quặng sắt trên Sàn giao dịch Đại Liên (Trung Quốc) - tham chiếu cho thị trường Châu Á - kết thúc phiên 27/5 tăng 1,1% lên 1.046,5 CNY (164,1 USD)/tấn, mặc dù trong phiên có lúc giảm xuống 984 CNY, thấp nhất kể từ 12/4.
Trên sàn Singapore, giá quặng sắt tăng mạnh 5,6% lên 112,1 USD/tấn, dù trước đó có thời điểm xuống mức thấp nhất hơn 5 tuần, là 170,5 USD/tấn.
Giá thép phiên này cũng ngừng giảm và ổn định trở lại sau đợt bán tháo bị kích hoạt bởi hàng loạt những cảnh báo từ Chính phủ Trung Quốc và các cơ quan giám sát thị trường nhằm kiềm chế giá hàng hóa tăng "bất hợp lý" và kiềm chế lạm phát.
Kết thúc phiên này, giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải tăng 0,2%, thép cuộn cán nóng tăng 0,5% và thép không gỉ tăng 1,3% so với cuối phiên liền trước. Giá than cũng tăng khoảng 1,3% - 1,4% trong phiên này.
Dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome cho thấy giá quặng sắt tham chiếu (hàm lượng 62%) hôm 26/5 đã giảm xuống 182 USD/tấn, thấp hơn 1/5 so với mức cao kỷ lục 232,5 USD/tấn hôm 12/5.
Theo nhận định của Nomura thì dữ liệu của Trung Quốc lại cho thấy lợi nhuận của các công ty công nghiệp đã tăng chậm lại trong tháng 4 vừa qua, thể hiện quan điểm rằng Bắc Kinh sẽ tuân thủ cam kết "không thay đổi chính sách".
Tuy nhiên ông Adam Hoyes, nhà kinh tế của Capital Economics thì cho rằng: "Mặc dù những động thái của Chính phủ dường như đã làm giảm đi một số hoạt động đầu cơ, từ đó tác động ngắn hạn tới thị trường, nhưng lịch sử đã cho thấy những động thái đó sẽ không có nhiều ảnh hưởng về lâu dài".
Ông dẫn ra những biện pháp trước đây Trung Quốc đã từng sử dụng, là những quy định chặt chẽ hơn để đối phó với tình trạng giá hàng hóa tăng vọt, ví dụ như vào tháng 12, khi áp dụng những hạn chế giao dịch đối với quặng sắt kỳ hạn, thì cũng chỉ khiến giá hạ nhiệt trong vài tuần.
Lu Li, nhà phân tích của công ty Shenhua Futures Co., cho biết: "Các chính sách mới sẽ tập trung vào việc cắt giảm sản lượng thay vì công suất, như vậy sẽ có nhiều khả năng là cắt giảm sản lượng ở khâu cuối," tức là sản lượng sẽ không giảm nhanh chóng trong ngắn hạn, do giá đã tăng lên mức rất cao.
Do nhu cầu thép tăng mạnh, tồn kho thép ở Trung Quốc vẫn đang giảm. Theo đó, tồn kho thép thanh vằn tại các nhà máy thép và các kho bãi tập kết ở Trung Quốc tính đến ngày 27/5 là 10,57 triệu tấn, giảm 0,3% so với một tuần trước đó.
Tồn trữ sản phẩm thép ở Trung Quốc
Tham khảo: Bloomberg & Refinitiv