Cụ thể, theo thống kê của CBRE, do đợt bùng phát thứ hai của dịch Covid-19, thị trường nhà ở gắn liền với đất chỉ ghi nhận 45 căn mở bán mới trong Quý 3. Tính trong 9 tháng đầu năm 2020, số căn mở bán mới đạt 326 căn, giảm 92% so với năm trước. Do nguồn cung mới hạn chế và nhu cầu khả quan, kết quả bán hàng vẫn ở ngưỡng tích cực, đạt 570 căn trong 9 tháng đầu năm 2020, cao hơn gần 30% so với số lượng mở bán mới trong kỳ.
Do không có nhiều nguồn cung mở bán mới, sự chú ý của thị trường tập trung vào các dự án hiện hữu. Giá bán thứ cấp cho biệt thự và liền kề tăng lần lượt ở mức 2,0% và 7,2% so với năm trước. Giá chào bán thứ cấp ghi nhận tăng ở một số dự án tại các khu vực chứng kiến sự hoàn thiện của các công trình cơ sở hạ tầng giao thông và tiện ích trong thời gian gần đây ở phía Tây Hà Nội. Dự kiến nguồn cung mở bán mới trên thị trường nhà ở gắn liền với đất sẽ chỉ ở mức hạn chế từ 500 – 600 căn trong cả năm 2020.
Cùng nhận định như CBRE, báo cáo thị trường BĐS quý 3 của Savills vừa công bố ngày 15/10 cũng cho biết giá sơ cấp trung bình phân khúc biệt thự, liền kề, shophouse tiếp tục có mặt bằng mới. Giá sơ cấp trung bình của biệt thự là 4.935 USD/m2 (tương đương khoảng 110 triệu đồng/m20. Giá trung bình liền kề đạt 4.618 USD/m2 (tương đương gần 100 triệu đồng/m2) và shophouse khoảng 6.675 USD/m2 (tương đương gần 150 triệu đồng/m2)..
Như vậy, so với số liệu của Savills công bố cách đây 5 năm, giá trung bình biệt thự, liền kề, shophouse trên thị trường BĐS Hà Nội đã tăng gấp đôi. Cụ thể, năm 2015, mức giá trung bình biệt thự là 48,8 triệu đồng/m2 và liền kề là 60 triệu đồng/m2. Ở thời điểm đó, mức giá cao nhất trên thị trường sơ cấp đối với biệt thự là ở quận Tây Hồ với 117 triệu đồng/m2. So với thời điểm hiện tại, giá biệt thự khu vực Hồ Tây đã lên đến hơn 200 triệu đồng/m2 và giá trung bình trên thị trường Hà Nội đã tương đương với giá biệt thự quận Hồ Tây cách đây 5 năm.
Có thể nói phân khúc nhà liền đất như biệt thự, liền kề, shophouse là phân khúc giữ được mức độ tăng giá ổn định theo năm và tiếp tục trở thành tài sản giữ giá trị ngay cả trong thời điểm dịch bệnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư đang âm thầm đổ tiền vào phân khúc này trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, đất nền tỉnh lẻ tiếp tục "bất động".
Nắm bắt được điểm trũng trên thị trường bất động sản hiện nay, nhiều Chủ đầu tư cũng như Đơn vị Phát triển &Kinh doanh dự án sau một thời gian nghe ngóng thị trường đã quyết tâm bung hàng. Cụ thể, đầu quý IV, thị trường sẽ chào đón sự ra mắt của dự án Him Lam Vạn Phúc với quy mô 222 căn shophouse nằm trên mặt phốTố Hữu, Vạn Phúc, Hà Đông. Được biết, các căn shophouse Him Lam Vạn Phúc có diện tích từ 84 – 126 m2, được thiết kế 2 mặt tiền, 6 tầng cùng các tiện ích nội khu như Trường quốc tế Nhật Bản, Nhà để xe tập trung, khu vui chơi trẻ em, khu thể thao ngoài trời…
Sau Him Lam Vạn Phúc, đến đầu năm 2021-2022 thị trường mới chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt dự án thấp tầng ở khu vực ven của các khu ngoại thành như Vinhomes Wonder Park ở Đan Phượng, BRG – Sumitomo Smart City ở Đông Anh, Xuân Mai Smart City ở Chương Mỹ, hay hai khu đô thị của Vinhomes ở Hòa Lạc.
Đánh giá về tâm lý nhà đầu tư trên thị trường liền kề, biệt thự, shophouse, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng phòng nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, trong tình hình khó đoán hiện tại, hy vọng hạng mục biệt thự, nhà phố liền kề sẽ nhanh chóng hồi phục bởi nhà đất vẫn là những khoản đầu tư được ưa chuộng nhất.
Cùng quan điểm với đại diện Savills, các chuyên gia cũng cho rằng trong thời gian tới giá phân khúc này sẽ tiếp tục tăng bởi sự khan hiếm về quỹ đất trong nội đô và những ách tắc trong vấn đề phê duyệt, quy hoạch dự án nên rất hiếm nguồn cung mới được bổ sung ít nhất trong vòng 1 năm tới. Đây cũng là nguyên nhân khiến phân khúc nhà gắn liền với đất đang trở thành kênh đầu tư tỏa sáng của các nhà đầu tư từ nay đến cuối năm 2020.