Doanh nghiệp "khát" lao động
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy Việt Nam có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, tương đương 68,5% tổng số lao động có việc làm, ở mức cao so với thế giới. Cơ bản đó là những công việc xe ôm, taxi công nghệ, hàng rong, các nghề tự do… Do tác động của đại dịch tới nền kinh tế, thời gian qua chứng kiến sự gia tăng của khu vực lao động này do sự dịch chuyển công nhân từ các nhà máy xí nghiệp sang. Do đó, mặc dù những tháng đầu năm các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển mới tới 400.000 lao động, nhưng thực tế lại không tìm được người
Ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc thắt chặt chi tiêu do lạm phát ở Mỹ và Châu Âu đang đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có lĩnh vực dệt may chịu tác động nặng nề nhất trong năm 2022.
Công ty May Hồ Gươm cho biết, sang đầu năm, những đơn hàng đầu năm đã bắt đầu trở lại tuy không như kỳ vọng, ngay lập tức ban lãnh đạo công ty đã lên kế hoạch cho phương án tuyển dụng lao động nhưng vẫn thiếu người.
Nhiều doanh nghiệp cho biết rất khó tuyển lao động. Ảnh minh họa.
Đầu năm nay, nhiều đối tác chuyển sang sản xuất tại Việt Nam, đòi hỏi một số lượng lớn lao động có tay nghề, đặc biệt là các sinh viên đã qua đào tạo ngành may. Dù mức lương không hề thấp, luôn dao động từ 7 - 10 triệu đồng chưa bao gồm các phụ cấp, phúc lợi, tăng ca, song bài toán thiếu lao động vẫn luôn thường trực.
Dù lao động khu vực chính thức có thu nhập ổn định hơn nhưng mức lương cũng chỉ cao hơn khu vực phi chính thức vài triệu. Sau mấy năm biến động, nhiều lao động có tâm lý muốn thử sức mình ở những công việc mới và tự do hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp ngày càng khó tuyển lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo.
Dịch chuyển lao động sang khu vực phi chính thức
Trong tổng số 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Việt Nam, tốc độ tăng năng suất lao động là chỉ tiêu duy nhất không đạt. Năng suất lao động của Việt Nam nằm ở vùng đáy của ASEAN, chỉ hơn Campuchia và Myanmar. Một trong những nguyên nhân chính là tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức cao.
Đang làm ở một công ty nước sạch, anh Khang (xã Thanh Văn, Thanh Oai, Hà Nội) bỏ về quê kinh doanh tự do. Anh cho biết cảm thấy bị gò bó khi làm việc theo thời gian cố định tại công ty nên về quê tìm nghề mới. Trước khi nghỉ hẳn anh học một lớp pha chế và về nhà bán trà sữa qua mạng. Thu nhập không ổn định như trước nhưng anh cảm thấy thoải mái.
Nhưng không phải ai cũng tự tạo được việc làm cho mình khi chuyển sang khu vực phi chính thức. Công ty phá sản, anh Ninh (Việt Yên, Bắc Giang) đi xin việc ở nhiều nơi nhưng không được do đã trên 40 tuổi. Anh buộc phải làm các công việc thời vụ với lương 200.000 đồng một ngày, khi nào không có việc lại làm xe ôm.
Rời bỏ khu vực chính thức cũng đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội . Công việc làm ngày nào ăn ngày đó không giúp họ tích luỹ được cho tuổi già nên sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội trong tương lai.
Đang làm ở một công ty nước sạch, anh Khang (xã Thanh Văn, Thanh Oai, Hà Nội) bỏ về quê kinh doanh tự do.
Triển vọng việc làm toàn cầu năm 2023
Nhìn rộng ra thế giới, biến động việc làm không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam. Thị trường việc làm toàn cầu được dự báo là sẽ phải đối mặt với một năm nhiều thách thức ở phía trước. Cuộc xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao, thắt chặt chính sách tiền tệ và tình trạng bất ổn nói chung đều góp phần làm giảm triển vọng của thị trường lao động trong năm nay. Kèm theo đó là sự gia tăng việc làm ở khu vực phi chính thức.
Làn sóng sa thải cộng thêm tình trạng khan hiếm việc làm mới được cho là sẽ tác động đến thị trường lao động thế giới vốn vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự đoán số người thất nghiệp của thế giới sẽ tăng thêm 3 triệu, lên 208 triệu người trong năm nay.
Bà Manuela Tomei - Trợ lý Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết: "Tăng trưởng việc làm toàn cầu được dự đoán sẽ chậm lại ở mức 1%, bằng một nửa mức tăng trưởng việc làm vào năm 2022 và thấp hơn 0,5% so với mức mà ILO đã dự đoán vào năm ngoái".
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự đoán số người thất nghiệp của thế giới sẽ tăng thêm 3 triệu, lên 208 triệu người trong năm nay. Ảnh minh họa.
Cũng theo ILO, do kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tỷ lệ lao động đang tăng nhanh nhất trong khu vực phi chính thức. Đây là khu vực đóng góp chính cho xu hướng phục hồi lao động sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, với tình trạng kinh tế tăng trưởng trì trệ như hiện nay, nhiều nhà phân tích lo ngại sẽ có thêm nhiều người lao động phải chấp nhận những công việc có chất lượng thấp và mức lương thấp.
Khi giá cả tăng nhanh hơn thu nhập của người lao động, điều này có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, có nguy cơ đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói. Người lao động ở các nước có thu nhập thấp và trung bình được cho là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo thống kê của ILO, trong năm 2022, khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới đã làm việc trong khu vực phi chính thức, chủ yếu ở các nước đang phát triển.
Khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam vẫn sẽ là một phần không thể tách rời của nền kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, năng suất lao động của khu vực này thấp hơn đáng kể so với khu vực kinh tế chính thức sẽ là thách thức lớn trong quá trình vượt qua "bẫy thu thập trung bình" và cải thiện chất lượng cuộc sống của phần lớn lao động .
Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất chính phủ tăng nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để giữ chân lao động. Tăng cường kết nối cung - cầu, điều hòa giữa nơi có nhu cầu và nơi dư thừa lao động cũng là một giải pháp rất cần thiết lúc này.