Xu hướng tăng giá phản ánh Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu than. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9, lượng than nhiệt quốc gia này nhập khẩu tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, Kiah Wei Giam, nhà phân tích đến từ công ty Wood Mackenzie cho biết.
Tuy nhiên, ông dự đoán nhu cầu than của Trung Quốc sẽ hạ nhiệt khi mùa đông kết thúc và giá sẽ giữ ở ngưỡng trung bình từ 85 USD - 90 USD/tấn trong năm 2018.
Trung Quốc cắt giảm sản lượng khai thác than là một trong những nguyên nhân đẩy giá mặt hàng này tăng cao. Các nhà phân tích cho biết tháng 10, Chính phủ nỗ lực giảm quy mô khai thác nhằm hạn chế các vụ tai nạn tại mỏ than. Kết quả là nền kinh tế lớn thế 2 thế giới phải nhập khẩu than từ nước khác.
"Lượng đơn đặt hàng từ phía các công ty Trung Quốc tăng hơn 20% kể từ mùa hè năm nay", một lãnh đạo đến từ trung tâm mua bán hàng hóa Nhật Bản cho biết.
Than chiếm 60% nguồn năng lượng tiêu thụ ở Trung Quốc. Mặc dù quốc gia này cũng đang tăng cường nhập khẩu khí gas tự nhiên vì lý do bảo vệ môi trường nhưng sự lệ thuộc vào than vẫn còn rất lớn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán nhu cầu than nhiệt chất lượng cao sẽ tăng mạnh đến năm 2030.
Cơ cấu nguồn cung than cũng đã có nhiều thay đổi. Các thương lái hướng nhiều hơn vào nguồn cung bền vững từ Australia. Trong tháng 6, công ty than liên doanh Anh và Australian- Rio Tinto công bố thỏa thuận bán chi nhánh than ở Australia cho tập đoàn Yancoal.
Tháng 7, công ty giao dịch hàng hóa và khai thác Thụy Điển Glencore đạt được thỏa thuận với Yancoal mua lại 49% cổ phần tại khu mỏ mà Yancoal có được từ Rio Tinto. Như vậy, tỷ trọng than nhiệt xuất khẩu của Glencore tại Australia tăng từ 26% lên 29%.
Một đối thủ khác của Australia là Nga - quốc gia lên kế hoạch tăng cường xuất khẩu than sang thị trường châu Á do châu Âu dần "quay lưng" với nhiệt điện than. Được hỗ trợ bởi việc giá đồng rúp mất giá, thị phần than của Nga tại Nhật Bản có thể tăng đáng kể từ ngưỡng dưới 10% năm 2016.