Giá than mỡ tương lai trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên tăng 3,5% trong phiên 11/1 và chốt ở 1.233 nhân dân tệ/tấn (182,91 USD/tấn). Trong phiên, giá có lúc lên cao nhất kể từ ngày 7/12/2018.
Tương tự, giá than cốc cũng tăng 2,2% lên 1.982 nhân dân tệ/tấn.
Giá than tăng mạnh trước lo ngại nguồn cung bị thắt chặt khi chính phủ Trung Quốc dự kiến triển khai kế hoạch thanh tra tại các nhà máy than ở phía bắc. Một số nhà máy tại các tỉnh sản xuất than lớn như Sơn Đông, Hà Nam và khu vực đông bắc Trung Quốc vừa nhận được thông báo từ Cơ quan An toàn Khai thác than Quốc gia yêu cầu ngừng hoạt động để chuẩn bị cho đợt thanh tra sắp tới. Thời gian thanh tra sẽ kéo dài 6 tháng cho tới cuối tháng 6. Giới phân tích cho rằng sản lượng than sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi đợt thanh tra này.
Đà tăng của giá than đẩy giá thép xây dựng tại Trung Quốc phục hồi, với giá hợp đồng giao tháng 5 tăng 0,4% lên 3.539 nhân dân tệ/tấn. Giá quặng sắt cũng tăng nhẹ 0,2% lên 509 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép được hỗ trợ một phần khác bởi tin tức Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Washington vào cuối tháng 1 để đàm phán thêm.
Tuy nhiên, giới đầu tư phần lớn vẫn giữ tâm lý thận trọng bởi kinh tế vẫn phải đối mặt nguy cơ tăng trưởng chậm. Hơn nữa, tồn kho các sản phẩm thép tại doanh nghiệp tiếp tục tăng 453.200 tấn lên 8,83 triệu tấn tính đến ngày 11/1, theo số liệu của Mysteel Consultancy.
Các doanh nghiệp thường tích trữ hàng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và bán ra khi thị trường mở cửa trở lại. Việc tích trữ đã bắt đầu ở một số khu vực nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm ngoái vì phần lớn doanh nghiệp vẫn đứng ngoài xu hướng này, nhóm phân tích tại Huatai Futures và CITIC Futures cho biết.
“Nhiều người rút kinh nghiệm từ sự thua lỗ của năm ngoái và không muốn tích trữ quá nhiều cho năm nay. Hơn nữa, các biện pháp kích thích của chính phủ vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép”, một thương lái thép ở tỉnh Liêu Ninh cho biết.