Theo ông Nguyễn Duy Thành, Trưởng phòng phân tích của Công ty chứng khoán Pinetree, có nhiều nguyên nhân đẩy giá than lên cao như vậy, đến từ cả hai phía cung và cầu.
Về phía cầu, nhu cầu than đang tích cực hơn bao giờ hết, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Trận hạn hán đầu năm tại khu vực phía Nam khiến sản lượng thủy điện sụt giảm và đẩy gánh nặng phát điện lên các nhà máy nhiệt than. Hoạt động kinh tế phục hồi cũng làm nhu cầu điện than tăng lên tại các thị trường lớn. Một mặt giá khí đốt tăng khiến các nhà sản xuất điện tại Nhật Bản và EU chuyển qua sử dụng than, mặt khác nhu cầu sử dụng điện tại Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2021 bởi IEA và một nửa sản lượng điện tăng lên này được đáp ứng bởi nhóm điện than.
Trong khi đó, nguồn cung lại gặp nhiều gián đoạn. Việc không chính thức cấm nhập khẩu than từ Úc đưa Indonesia từ đối tác cung cấp than lớn nhất Đông Nam Á của Trung Quốc trở thành đối tác xuất khẩu than lớn nhất hiện tại. Tuy nhiên, các trận mưa dài và liên tục đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng tại đây. Cùng lúc, mưa và các biện pháp hạn chế đang áp dụng tại cảng khiến hoạt động logistic than tại Nga và Nam khi cũng gặp khó khăn.
Diễn biến giá than đá 1 năm qua
Tại khu vực Đông Nam Á, mới đây giá than tham chiếu (HBA) tháng 8 do chính phủ Indonesia công bố đã tăng lên 130,99 USD/tấn, tăng 72,7% kể từ đầu năm và cao hơn 11,4% so với ngưỡng kỉ lục 117,6 USD hồi tháng 5/2011.
Theo chuyên gia phân tích của Pinetree, than là nguyên, nhiên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành chủ chốt. Vì vậy, giá than tăng mạnh sẽ có nhiều tác động cả không chỉ tiêu cực mà cả tích cực lên hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp niêm yết. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng mỗi ngành khác nhau tùy theo loại than ngành đó sử dụng, nguyên nhân bởi than chất lượng càng tốt, mức tăng giá càng cao.
Trên thế giới có khá nhiều thuật ngữ áp dụng với các loại than, để dễ tiếp cận hơn, chuyên gia cho rằng có thể chia than thành 3 loại theo khả năng sinh nhiệt gồm sinh nhiệt thấp, sinh nhiệt trung bình và sinh nhật cao.
Loại sinh nhiệt thấp (<4600kcal/kg), còn gọi than cám 5, cám 6 được dùng nhiều cho sản xuất điện.
Loại sinh nhiệt trung bình dùng làm nhiên liệu sinh nhiệt, cũng như nguyên liệu phối trộn trong sản xuất Xi măng. Theo thống kê trên thế giới, 90% năng lượng cho ngành xi măng được cung ứng bởi than và trung bình cần 111-245kg than (độ ẩm < 5%, tùy theo nhiệt trị) để sản xuất 1 tấn Xi măng, (theo globalcement). Bởi vậy, tính trung bình 6 tháng cuối năm 2020, giá than chiếm 30% giá thành sản xuất trong công nghiệp xi măng trên thế giới. Nhìn lại cuối năm 2016, khi giá than tăng gấp đôi, LafargeHolcim ước tính giá thành sản xuất của họ tăng theo 10%. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp sử dụng cả than nhập khẩu và than nội địa, trong đó giá than nội địa chỉ tăng nhẹ so với đầu năm nên ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của nhóm này nhiều khả năng thấp hơn so với các doanh nghiệp phụ thuộc vào than nhập khẩu trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, nhóm than sinh nhiệt trung bình cũng là nguyên liệu sử dụng để sản xuất phân đạm tại Trung Quốc, chiếm 30% lượng ure xuất khẩu trên thế giới. Tại đây các nhà sản xuất sử dụng công nghệ than khí hóa tương tự như nhà máy đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc tại Việt Nam. Sự tăng mạnh của giá than, có lúc chiếm 70% giá thành, sẽ làm giảm tính cạnh tranh của nhóm này và đem lại lợi thế cho các doanh nghiệp sử dụng khí thiên nhiên để sản xuất đạm như Đạm Cà Mau (DCM) hay Đạm Phú Mỹ (DPM).
Cuối cùng là loại than sinh nhiệt cao (antraxit), chuyên dùng trong lĩnh vực luyện kim mà phổ biến nhất và cũng nhiều nhất là sản xuất thép bằng công nghệ lò cao. Theo Worldsteel, cần trung bình 780kg than để sản xuất một tấn thép. Các doanh nghiệp sản xuất thép lớn tại Việt Nam như Hòa Phát (HPG), Fomosa, Gang thép Thái Nguyên Tisco (TIS) đều sử dụng than nhập khẩu làm nguyên liệu. Giá than lên cũng sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thép. Tuy nhiên, với tỉ trọng giá thành của than thấp hơn (6%-12%), ông Nguyễn Duy Thành cho rằng, mức độ tác động cũng nhỏ hơn và tùy thuộc vào khả năng chuyển một phần hoặc toàn bộ chi phí tăng vào giá hàng bán của các doanh nghiệp.