Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - đại diện cơ sở thu mua thanh long Ngọc Tùng (Châu Thành, Long An), hiện giá thanh long đang “loạn cào cào”.
“Có vườn đang bán với giá 20.000 - 22.000 đồng/kg. Nếu nông dân mang thanh long đến kho bán thì được 30.000 - 40.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ loại 1” - bà Thúy chia sẻ.
Giá thanh long tăng cao, nông dân phấn khởi
Sau thời gian dài trầm lắng do không xuất được hàng sang thị trường Trung Quốc bởi ảnh hưởng của dịch virus corona, thời điểm này tại vùng thanh long Châu Thành - “thủ phủ” thanh long của tỉnh Long An lại nhộn nhịp hẳn lên. Ở những vườn thanh long còn trái, nông dân đang tất bật thu hoạch bán cho thương lái.
Ông Võ Minh Thông - nông dân có gần 1ha thanh long ruột đỏ, phấn khởi cho hay: “Vụ này sản lượng thanh long của tôi đạt gần 9 tấn. Cũng may phần lớn thanh long vẫn còn trên vườn nên tôi sẽ bán tiếp để gỡ gạc lại lượng thanh long phải giá bán quá thấp đợt vừa qua”.
Nhân viên tất bật sơ chế thanh long xuất khẩu tại HTX Thanh long Tầm Vu (Châu Thành, Long An). Ảnh: T.Đ
Theo ông Trương Quang An - Giám đốc HTX Thanh Long Tầm Vu (Châu Thành), bà con nông dân rất phấn khởi khi thấy giá thanh long đang tăng trở lại và tăng khá cao. Tiếc rằng, hiện vụ thanh long đã đi vào cuối vụ, trên vườn không còn nhiều trái để nông dân gỡ gạc thua lỗ do giá bán thấp từ đầu vụ.
“HTX đang đẩy mạnh thu mua thanh long cho các thành viên của HTX nhưng vẫn không đủ hàng giao cho khách. Chúng tôi đang thu mua thanh long thêm từ các hộ nông dân trong vùng” - ông An chia sẻ.
Tại Tiền Giang, ông Trần Văn Sáu (xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo) đang canh tác 1,1ha thanh long cho biết, trong những ngày qua, giá thanh long ruột đỏ được thương lái thu mua tại vườn bình quân khoảng 28.000 đồng/kg. Ông vừa bán hơn 1 tấn thanh long, thu về 28 triệu đồng.
Theo các nhà vườn trồng thanh long ở Tiền Giang, Long An, hiện họ đang xông đèn cho thanh long ra trái chuẩn bị cho vụ thu hoạch thanh long mới. |
Một chủ kho thanh long huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cũng thông tin, mức giá thanh long được kho này mua vào hiện là 35.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ loại 1; loại 2 được 28.000 đồng/kg và loại 3 đạt 22.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết, nhiều ngày qua, trung bình mỗi ngày các doanh nghiệp trong hiệp hội xuất bán được khoảng hơn 100 tấn thanh long bằng đường biển sang Trung Quốc. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp khác ngoài hiệp hội cũng xuất khẩu thanh long bằng đường biển.
Hiện, tỉnh Long An có hơn 12.000ha thanh long, trong số này có 10.000ha đang cho trái. Theo tính toán của Hiệp hội Thanh long Long An, trung bình mỗi ngày Long An cho “ra lò” khoảng 1.000 tấn thanh long. Riêng vụ trái mùa này, Long An cho ra khoảng 30.000 tấn.
Nghi vấn thương lái Trung Quốc “làm giá”
Ông Nguyễn Quốc Trịnh thổ lộ, mấy ngày qua, giá thanh long ở tỉnh Long An đã liên tục tăng mạnh trở lại, thậm chí có ngày giá thanh long tăng tới 2 - 3 lần. Lý giải nguyên nhân vì sao giá thanh long đang “chạm đất” bỗng nhiên lại tăng đột biến, ông Trịnh cho rằng, sau khi Trung Quốc mở biên nhập khẩu hàng hóa trở lại, thanh long Việt Nam có đến 3 cách để đưa vào tiếp cận thị trường này là: Đường bộ, tàu hỏa và đường biển.
Theo ông Nguyễn Hoàng Cung - Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên, thực tế là thị trường Trung Quốc đang khan hiếm thanh long sau thời gian đóng biên. Giờ là thời điểm thanh long vào cuối vụ thiếu hàng nên thương lái Trung Quốc đẩy giá vét hàng để nhập về bán. |
Tuy nhiên, ông Trịnh vẫn nghiêng về việc thời điểm này thanh long đang hết hàng nên thương lái Trung Quốc lại chơi “chiêu” xả hàng, đẩy giá.
“Thời gian trước, thương lái Trung Quốc mua thanh long trữ trong kho. Giờ khi biết thanh long đang hết hàng và đến cuối tháng này mới có hàng lại, họ sẽ bung hàng và làm giá. Lâu nay, họ đã thao túng mặt hàng thanh long, làm giá thế nào là trong tay họ” - ông Trịnh phân tích.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy của cơ sở thu mua thanh long Ngọc Tùng cũng cho biết, không loại trừ khả năng thương lái Trung Quốc làm giá. “Tôi cho rằng việc giá thanh long tăng cao có phần thương lái Trung Quốc làm giá. Cuối vụ, hết hàng là họ gom mạnh, xả hàng ra thị trường, đẩy giá khiến giá thanh long trên thị trường lên cao vút. Giờ có vườn thanh long mới ra nụ, thương lái Trung Quốc đã đến đặt cọc” - bà Thúy cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng Cung - Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên (chuyên thu mua xuất khẩu nông sản) nhận định, thực tế là thị trường Trung Quốc đang khan hiếm thanh long sau thời gian đóng biên. Giờ là thời điểm thanh long vào cuối vụ thiếu hàng nên thương lái Trung Quốc đẩy giá vét hàng để nhập về bán.
“Trong một năm, nông dân trồng thanh long "thắng đậm" xuất vào thị trường Trung Quốc chỉ vào những tháng này (tháng thời tiết lạnh), khi Trung Quốc không trồng được thanh long. Bên cạnh xả hàng, thương lái Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu thanh long, nên việc thanh long tăng giá đột biến cũng là bình thường” - ông Cung chia sẻ.
Thận trọng đưa hàng nông sản lên biên giới Trung Quốc Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới đất liền phía Bắc.
Xe chở nông sản ùn ứ tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: H.H Cụ thể, ngay từ khi dịch bệnh covid-19 bắt đầu gây tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã liên tục cảnh báo, khuyến nghị và hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp… theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Qua đó, chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, điều tiết việc giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác. Việc chính quyền các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản. Vì vậy, Bộ Công Thương đã đề nghị UBND các tỉnh, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, đặc biệt là Sở NNPTNT, Sở Công Thương khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ. Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục các nỗ lực để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng thị trường thay thế trong bối cảnh hiện nay. Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh đánh giá lại tình hình và chủ động kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp với diễn biến dịch bệnh covid-19. Theo đó, đối với các loại nông sản, trái cây đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (như thanh long và dưa hấu), có biện pháp khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời điểm này. Đối với những diện tích chưa gieo trồng, xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh covid-19 ngày 3/2. Thiên Ngân |