Những ngày đầu tuần này, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên liên tục sụt giảm. Sáng 20/12, giá cà phê lại giảm thêm 300 đ/kg so với trước đó. Giá cà phê ở Gia Lai chỉ còn 36.000 đ/kg, Đăk Lăk 35.800 đ/kg, Đăk Nông 35.800 đ/kg và Lâm Đồng 35.200 đ/kg. So với cùng kỳ 2016, khi giá cà phê nhân xô ở mức trên dưới 45.000 đ/kg, thì rõ ràng, giá cà phê hiện nay đã giảm khá nhiều, tới gần 10.000 đ/kg.
Giá cà phê trong nước liên tục giảm, một phần do nguồn cung nội địa đang tăng lên vì vào vụ thu hoạch rộ, nhưng chủ yếu do sức mua yếu từ các nhà NK. Hiện lượng cà phê vụ cũ tồn kho của các nhà NK đang tương đối nhiều.
Theo thông tin từ Hiệp hội Cà phê hạt của Mỹ (GCA), tồn kho cà phê tại các kho cảng của Mỹ giảm 297.527 bao (giảm 4,23%) trong tháng 11 và hiện còn 6.737.486 bao. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp tồn kho cà phê tại các kho cảng của Mỹ giảm xuống.
Tuy nhiên, lượng cà phê tồn kho này lại chưa bao gồm cả cà phê tồn kho tại các kho trung chuyển và trên thị trường rang xay (được ước tính vào khoảng 1,1 triệu bao). Tính chung cả 2 lượng tồn kho nói trên, tổng lượng cà phê tồn kho ở Mỹ đủ đảm bảo cho 13 tuần hoạt động rang xay. Do đó, đây là lượng tồn kho an toàn, khiến cho các nhà NK chưa vội mua thêm.
Còn theo thông báo của Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF), trong tháng 10, tồn kho kho dự trữ tại các cảng Antwerp, Hamburg, Genoa, Le Havre và Trieste đã giảm 450.417 bao xuống còn 10,9 triệu bao. Tuy nhiên, ECF cũng ước tính ngoài con số nói trên, có khoảng 2,5 triệu bao cà phê đang được vận chuyển quá cảnh khắp châu Âu, tồn kho tại chỗ của thương mại tư nhân và ngành công nghiệp rang xay khắp Đông và Tây Âu. Như vậy, tính đến cuối tháng 10, tổng lượng cà phê tồn kho tại châu Âu có thể đảm bảo nhu cầu cho khoảng 12,5 tuần rang xay, là mức tương đối an toàn...
Thông tin từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho hay, sản lượng cà phê Nam Mỹ sẽ sụt giảm trong năm 2018 do sản lượng ở Brazil giảm nhiều vì khô hạn đầu vụ. Tuy nhiên, ở những khu vực sản xuất cà phê lớn khác như châu Phi, châu Á và Trung Mỹ, sản lượng lại được dự báo là sẽ tăng. Do đó sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2017/2018 dự kiến sẽ tăng nhẹ khoảng 0,8% lên mức 158,69 triệu bao, thấp hơn một chút so với dự báo của USDA. Về sản lượng cà phê của Việt Nam, theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), dự báo sản lượng niên vụ 2017/2018 sẽ giảm 2,6% so niên vụ 2016/2017 xuống còn 1,5 triệu bao.
Với áp lực bán ra từ thu hoạch cà phê niên vụ mới trong bối cảnh sức mua yếu từ các thương nhân, nhà đầu cơ…, giá cà phê Việt Nam sẽ khó có khả năng được cải thiện từ nay đến hết năm và nhiều khả năng sẽ giao dịch quanh mức thấp là 35.000 đ/kg.
Theo ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia phân tích thị trường cà phê, giá cà phê ở Việt Nam vẫn có thể tăng nếu như các quỹ đầu tư tài chính ở 2 sàn London và New York đồng loạt thanh lý lượng dư bán của các hợp đồng kỳ hạn. Tuy nhiên, giá cà phê khó vượt mức 38.000 đ/kg.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, với diễn biến trên thị trường cà phê toàn cầu như hiện nay, XK cà phê Việt Nam sẽ gặp khó trong vài tháng tới do nguồn cung tăng gây áp lực lên giá bán.