Giá thép thanh vằn - dùng trong xây dựng - trên sàn Thượng Hải kết thúc phiên 12/7 tăng 1,4% so với phiên liền trước, lên 5.432 nhân dân tệ (839 USD)/tấn, giữa phiên có lúc giá đạt 5.532 nhân dân tệ, mức cao nhất kể từ ngày 19/5. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép thanh vằn đã tăng 21,7%, mặc dù có giai đoạn lao dốc mạnh do chiến dịch hạ nhiệt giá nguyên liệu của Chính phủ Trung Quốc.
Thép cuộn cán nóng (HCR - dùng trong sản xuất) hôm nay cũng kết thúc ở mức tăng 1,4% lên 5.828 nhân dân tệ/tấn so với phiên liền trước, trong phiên có lúc cũng đạt mức cao nhất kể từ 19/5, là 5.948 nhân dân tệ. So với đầu năm 2021, giá HCR hiện cao hơn 33,8%.
Thép không gỉ hôm nay cũng tăng 0,6% lên 17.305 nhân dân tệ/tấn.
Tỷ lệ sử dụng công suất của các lò cao tại 247 nhà máy thép Trung Quốc đã phục hồi lên 86% vào ngày 9/7, từ mức 81% một tuần trước đó, dữ liệu từ Mysteel tư vấn cho thấy.
Mức độ biến động giá kim loại đen từ đầu năm đến nay
Giá thép tăng mạnh giúp thị trường nguyên liệu thép ổn định trở lại sau khi giảm liên tiếp 4 tuần qua.
Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 - giao dịch nhiều nhất trong số các kỳ hạn - hôm nay tăng 1,5% lên 1.188,50 nhân dân tệ/tấn, trong phiên có lúc tăng tới 1.213 nhân dân tệ. Quặng sắt kỳ hạn tháng 8 trên sàn Singapore hôm nay cũng tăng 1,9% lên 208,10 USD/tấn. Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên hôm nay tăng 2%, còn than cốc tăng 1%.
Thị trường sắt thép đột ngột khởi sắc trở lại, kết thúc chuỗi một tháng liên tiếp u ám, khi giá quặng sắt giảm suốt 4 tuần vừa qua bởi lo ngại về việc Trung Quốc kiểm soát sản lượng thép không chỉ làm lu mờ nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép mà có thể dẫn tới dư thừa quặng sắt, trong bối cảnh nguồn cung quặng sắt từ bốn hãng khai thác hàng đầu thế giới dự kiến sẽ tăng đáng kể trong nửa cuối năm 2021.
Chiều 9/7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng với mức giảm 50 điểm cơ bản, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7, giúp giải phóng khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ ra khỏi các ngân hàng để thúc đẩy kinh tế trong nước hồi phục, do đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy sự hồi phục có vẻ đang chậm lại.
Động thái này gây chú ý lớn bởi trong khi nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) lớn, dẫn đầu là ngân hàng trung ương Mỹ (Fed), phát đi tín hiệu có thể sớm thắt chặt lại tiền tệ thì Trung Quốc đi ngược lại.
RRR được xem là một công cụ chính sách tiền tệ khá mạnh khi nó tác động trực tiếp đến lượng tiền trong lưu thông. Bằng cách thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NHTW có thể điều tiết cung tiền với mục tiêu kiểm soát lạm phát hoặc thúc đẩy tăng trưởng. Lần cuối cùng NHTW Trung Quốc (PBoC) cắt giảm RRR là vào tháng 4/2020 khi nước này nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19.
Trong thời gian qua, giá thép đã có giai đoạn tăng mạnh do việc Trung Quốc hạn chế sản xuất thép để giảm lượng khí thải carbon như đã cam kết với thế giới.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn thận trọng khi nhận định về triển vọng thị trường thép Trung Quốc.
Ông Atilla Widnell, giám đốc điều hành Công ty Navigate Commodities ở Singapore cho biết: "Thực tế là có thể sẽ mất 6-9 tháng, để việc cắt giảm RRR tác động đến sản xuất thép và tiêu thụ quặng sắt", và thời gian lâu như vậy có thể sẽ làm tan biến tâm lý phấn khích của thị trường này đối với chính sách đó của PBoC.
Ông Widnell cũng nói rằng: "Không sớm thì muộn, Chính phủ sẽ phải kiềm chế tham vọng giảm sản lượng thép trong năm 2021, nếu không thì rủi ro về bong bóng đầu cơ tài sản sẽ càng phình to".
Tham khảo: Reuters