Theo Financial Times, giá thép giảm là xu hướng toàn cầu.
Giá thép tại Mỹ hiện về dưới mức giá trước khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế thép nhập khẩu. Cụ thể, giá thép cuộn cán nóng do S&P Global Platts theo dõi giảm xuống 725 USD/tấn vào cuối tuần trước, từ đỉnh 920 USD/tấn vào cuối tháng 7, tương đương giảm 21%. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khuyến nghị với ông Trump về việc áp thuế với thép nhập khẩu trên phạm vi toàn cầu.
Những tưởng kế hoạch áp thuế thép nhập khẩu của ông Trump sẽ giúp ngành sản xuất trong nước, nhưng thực tế lại gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong ngành này.
Dù thấp hơn số liệu của cùng kỳ năm 2017, thép nhập khẩu vẫn chiếm 23% tổng cung tại Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2018, theo số liệu của Viện Sắt thép Mỹ. Theo nhận định của Financial Times, ngành sản xuất thép của Mỹ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn thép nhập khẩu bất chấp lệnh áp thuế của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, Chủ tịch Thomas Gibson của Viện Sắt thép Mỹ cho rằng cần nhiều nỗ lực hơn để ngành thép của nước này mới đạt được sản lượng như thời kỳ trước suy thoái 2007 – 2009. Ngày 7/1, Nucor, hãng sản xuất thép lớn nhất Mỹ, tuyên bố khoản đầu tư lịch sử 1,35 triệu USD để xây dựng nhà máy mới, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2022.
Những tưởng kế hoạch áp thuế thép nhập khẩu của ông Trump sẽ giúp ngành sản xuất trong nước, nhưng thực tế lại gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong ngành này. Nguồn: Bloomberg.
Tại Trung Quốc, giá thép cũng giảm 21% kể từ tháng 7/2018. Mặc dù có xu hướng phục hồi trong vài tuần gần đây nhưng thị trường thép tại đây vẫn chịu áp lực lớn vì nhu cầu dự báo giảm trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Giá thép thanh giao tháng 5 tăng gần 30 nhân dân tệ lên 3.530 nhân dân tệ/tấn vào khoảng 10h15 ngày 9/1 (giờ Hà Nội). Giá thép cuộn cán nóng vào cùng thời điểm cũng tăng lên 3.424 nhân dân tệ/tấn.
Trên thị trường nguyên vật liệu, giá quặng sắt tăng 5 phiên liên tiếp lên cao nhất 10 tuần ở 517 nhân dân tệ/tấn, Reuters cho biết.
Còn theo Metal Bulletin, giá quặng 62% FE giao ngay tăng 1,3% lên 74,46 USD/tấn trong phiên 8/1, cao nhất kể từ ngày 20/11. Với mức tăng tương tự, giá quặng 58% FE chốt phiên ở 47,61 USD/tấn, cao nhất gần 5 tháng. Hai mặt hàng này lần lượt tăng 15,9% và 19,9% từ sau khi xuống đáy vào ngày 26/11.
Giá thép và vật liệu chính tăng trước kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ ban hành chính sách để kích thích tiêu thụ. Một quan chức cấp cao cho biết Bắc Kinh sẽ ban hành chính sách để kích thích chi tiêu vào một số mặt hàng như ôtô và đồ gia dụng trong năm 2019. Trong đó, giá quặng tăng mạnh sau khi có một số thông tin cho rằng các nhà máy thép tại Đường Sơn và Từ Châu bắt đầu tích trữ trở lại để chuẩn bị cho mùa sản xuất khi mùa đông kết thúc.
“Yếu tố chính cần tập trung trên thị trường thép hiện nay là nhu cầu. Một số nhà máy đã tăng giá bán thép giao trong tháng 2 và tháng 3 với kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng mạnh sau đợt nghỉ Tết Nguyên Đán”, một người giao dịch thép tại Thượng Hải cho biết.
Hiện tại, giới đầu tư vẫn thận trọng, chờ kết quả đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo báo chí đưa tin, hai quốc gia sẽ tiếp tục đàm phán trong ngày 9/1, dài hơn một ngày so với dự kiến ban đầu.