Chị Trần T.T Quế, (36 tuổi) tháng trước vừa quyết định hoãn xây căn nhà tại quận Thanh Xuân, Hà Nội khi chỉ còn một tuần nữa là đến ngày khởi công. Trước đó chị Quế nhận được nhận báo giá cập nhật từ đơn vị thi công với chi phí tăng gần 15% so với dự toán ban đầu, tương đương phải trả thêm là 200-250 triệu cho công trình 4 tầng. Phía nhà thầu cho biết giá vật liệu, đặc biệt là thép tăng cao, là lý do khiến họ phải tăng giá. Ngược lại, so với lúc có ý định xây nha, thu nhập của hai vợ chồng chị Quế đến nay đều không khả quan do ảnh hưởng của dịch bệnh, nếu cố làm chắc chắn sẽ nặng gánh nợ nần.
Thực ra phía nhà thầu cũng hoàn toàn có lý khi tăng giá, bởi giá thép trong nước bắt đầu đà tăng từ đầu quý I và đạt đỉnh vào tháng 5. Khi đó, giá 2 loại thép được dùng phổ biến trong công trình xây dựng dân dụng là thép cuộn và thép dài đã cao hơn 40-50% so với hồi đầu năm. Giá thép xây dựng giao tại nhà máy bình quân ở mức 15 triệu đồng đến hơn 16 triệu đồng/tấn, cao hơn 3-4 triệu đồng/tấn so với thời điểm cuối 2020.
Cùng với thép, xăng dầu cũng tăng giá làm chi phí vận chuyển nguyên liệu tăng thêm 20-30%, cát và đá tăng giá 15-20%; gạch xây tăng 10%, xi măng, gạch ốp lát, bêtông cũng tăng ở mức 5-10%. Việc giá thép tăng đột biến và giá những nguyên vật liệu đi kèm tăng theo khiến không chỉ những công trình dân dụng như nhà chị Quế phải tính toán lại mà còn khiến doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này điêu đứng.
Ông Vũ Huy Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kỹ thuật xây dựng Hải Âu (TP HCM) 10 lần nhận được thông báo thay đổi giá thép từ đối tác kể từ đầu năm. Theo tính toán của nhà thầu này, tỷ trọng chi phí thép xây dựng thường chiếm khoảng 12-16% trong tổng giá trị công trình. Trường hợp giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%. Với mức tăng của giá thép từ đầu năm, giá trị công trình bị đội khoảng 4-5% là điều dễ hiểu. Con số này khiến các nhà thầu mất hết lãi, ngay cả khi chủ đầu tư thanh toán đúng hạn, không nợ đọng.
Chính vì điều này, nhà thầu rơi vào tình trạng không dám tham giá đấu thầu công trình mới vì nếu bỏ thầu mức giá thấp, công ty sẽ thua lỗ hoặc bỏ thầu cao thì chắc chắn không thể trúng. Đối với những công trình cũ, họ cầm chắc thua lỗ.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá thép đạt đỉnh vào giai đoạn giữa năm vừa qua là nguyên liệu đầu vào tăng đột biến. Giá quặng sắt thời điểm đầu tháng 3 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ và giá thép cuộn cán nóng (HRC) cũng tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 660 USD/tấn. Hiện việc sản xuất thép của doanh nghiệp trong nước vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.
Thêm nữa, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, tình trạng thiếu container rỗng khiến không chỉ giá cước tăng cao mà việc giao hàng cũng bị chậm lại. Việc thiếu hụt nguồn cung thép do Trung Quốc cắt giảm công suất và thời gian giao hàng kéo dài ở EU và Mỹ khiến giá thép thế giới tăng mạnh.
Theo bảng cân đối liên ngành do Tổng cục Thống kê công bố, trong giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng (đường sá, cầu cống, công trình công cộng, xây nhà các loại...), thép chiếm khoảng 4%; riêng đối với xây nhà, các loại thép chiếm trong giá trị sản xuất khoảng 5%. Chính vì vậy, chỉ số giá một số nhóm hàng hóa chính trong ngành vật liệu xây dựng những tháng đầu năm ghi nhận mức biến động lớn.
Cụ thể, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 5 đã tăng 7,6% so với tháng 4 nhưng lại tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước; nhôm tăng khoảng 50-60%, vật tư điện nước gồm ống nhựa các loại, dây điện tăng khoảng 15-25%... Tương tự, trong mức tăng 0,16% chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 so với tháng 4 ghi nhận 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng. Trong đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4%, làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào.
Doanh nghiệp ngành xây dựng vì thế mà lao đao. Đặc biệt đối với hợp đồng đã ký theo "đơn giá cố định" hoặc "trọn gói" không được điều chỉnh vốn, giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nhà thầu. Đơn cử, tại dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông do Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, giá thép tăng 40% đã làm phát sinh chi phí thêm gần 150 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án của doanh nghiệp.
Ngoài ra, báo cáo về tình hình giải ngân đầu tư công từ Bộ Tài chính có chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến tình hình giải ngân của các địa phương thấp (37/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%) là do giá vật liệu tăng cao đột biến, nhất là mặt hàng thép xây dựng đã ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực. Tình trạng này làm thay đổi tổng vốn đầu tư, khiến chủ đầu tư buộc phải đi xin lại chủ trương đầu tư. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng thậm chí hàng năm. Nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, giải ngân đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ thấp. Mục tiêu trưởng kinh tế năm nay theo đó cũng rất thách thức. Bởi đầu tư công là một trong 3 trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.
Không chỉ ảnh hưởng đến đầu tư công hay lạm phát giá thép tăng còn tác động đến chi phí trung gian của nền kinh tế. Chưa kể nhiều ngành khác cũng cần thép cho hoạt động sản xuất đầu vào. Hiện thép chiếm 6,2% trong chi phí trung gian và chiếm 1,4% trong giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế. Như vậy, khi giá thành của thép tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp (ảnh hưởng tức thời) và gián tiếp (ảnh hưởng đến những chu kỳ sản xuất sau) đến nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh phân tích ảnh hưởng trực tiếp khi thép tăng giá 40% làm tăng tổng chi phí trung gian lên 0,82%, giả định ảnh hưởng này có thể dẫn đến một số kịch bản. Trước tiên, ảnh hưởng trực tiếp đến thặng dư của nền kinh tế, qua đó ảnh hưởng đến giá trị tăng thêm và GDP. Tính toán qua bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy trong trường hợp này có thể kéo GDP giảm xấp xỉ 2%, trong đó, giá trị tăng thêm toàn ngành xây dựng giảm khoảng 7,4% và giá trị tăng thêm ngành xây dựng nhà giảm khoảng 7,7%. Tiếp đến, doanh nghiệp không giảm lợi nhuận và giá trị tăng thêm mà việc tăng giá thép được tính vào giá sản xuất, khi đó chỉ số giá sản xuất (PPI) của nền kinh tế tăng 0,57%, giá sản xuất của toàn ngành xây dựng tăng khoảng 2% và giá thành xây nhà tăng 8%.
Trường hợp đầu vào của cả nền kinh tế đã bị tăng giá do ảnh hưởng trực tiếp của giá thép tăng, sẽ khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến giá sản xuất của nền kinh tế ở chu kỳ sản xuất sau. Ảnh hưởng này khiến PPI của toàn nền kinh tế tăng khoảng 1,2% và giá thành xây nhà tăng trên 10%. Như vậy, giá thép tăng đến 40% sẽ có tác động lên giá bán nhà không nhỏ. Ảnh hưởng này có thể mất khoảng hơn hai năm để tạo thành mặt bằng giá mới của nền kinh tế.
Ngay sau khi mặt hàng thép có những diễn biến nóng về giá, giữa tháng 5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương phải nghiên cứu, có biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước; hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước.
Bộ Công Thương còn được yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Về hoạt động điều hành giá cả hàng hóa nói chung, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm nay phải được thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động để hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ; vừa giữ ổn định mặt bằng giá nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,64%, thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/2021 của Chính phủ. Chính vì vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay rất khó khăn như nhận định của đại diện Tổng cục Thống kê đưa ra mới đây. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi những đầu tàu kinh tế của Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do dịch như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Hà Nội.
Ngay tại buổi họp đầu tiên nhằm đánh việc thực hiện chính sách hỗ trợ với trường hợp mất việc làm và bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ngay sau khi nhân sự được kiện toàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ sớm có kịch bản tăng trưởng và không chủ quan với lạm phát.