Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 10 năm nay, cả nước xuất khẩu 420.860 tấn thép sang Hoa Kỳ, tổng trị giá kim ngạch 337,256 triệu USD. Kết quả này giảm mạnh cả về sản lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoài, bởi hết tháng 10/2016, sản lượng thép xuất sang quốc gia này đạt 766.648 tấn, tổng trị giá kim ngạch 460 triệu USD.
Đáng chú ý, theo phân tích của chúng tôi (từ dữ liệu của Tổng cục Hải quan), mức giá xuất khẩu trung bình mặt hàng thép sang Hoa Kỳ trong vòng vài năm gần đây có sự biến động mạnh qua từng năm.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 5/12/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép các-bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Theo đó, mức giá xuất khẩu bình quân (tính hết tháng 10 các năm) năm 2013 là 1.378 USD/tấn, sáng 2014 lên 1.534 USD/tấn nhưng bước vào năm 2015 rơi xuống 750 USD/tấn và năm 2016 xuống tiếp 600 USD/tấn nhưng sang năm 2017 lại được kéo lên hơn 801 USD/tấn.
Cần lưu ý, khi giá thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm mạnh từ 1.534 USD năm 2014 xuống 750 USD năm 2015, rồi 600 USD vào năm 2016, cùng với đó là việc sản lượng tăng đột biến từ vài chục nghìn lên đến cả trăm nghìn tấn, lập tức trong năm 2016 Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Mặt khác thời điểm lượng thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng cao trong khi giá giảm mạnh trùng với thời điểm Hoa Kỳ khởi xướng điều tra đối với thép Trung Quốc. Cụ thể, năm 2015, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với 2 sản phẩm đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội của Trung Quốc.
Năm 2016, Hoa Kỳ chính thức áp thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265,79% và CVD là 256,44%.
Việc có hay không việc thép Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ còn phải chờ ý kiến chính thức từ cơ quan chức năng.
Nhưng rõ ràng, việc biến động lớn về sản lượng, giá cả đối với mặt hàng thép hay bất kỳ một mặt hàng XNK nào rất cần được cơ quan chức năng sớm đánh giá, phân tích và có biện pháp ngăn chặn kịp thời để loại bỏ nguy cơ (nếu có) của hàng hóa nước ngoài “đội lốt” xuất xứ Việt Nam để xuất đi các nước. Điều này không chỉ gây thiệt hại cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất mà uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Cùng theo thông tin từ Bộ Công Thương, theo quy định tại Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO (Tổ chức thương mại thế giới), một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nếu tại nước đó đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể (substantial transformation) để tạo ra sản phẩm đó.
Theo thông lệ từ trước tới nay của quốc tế cũng như của chính Hoa Kỳ, thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ được coi là một sự "chuyển đổi đáng kể" và vì vậy, tôn mạ sản xuất tại Việt Nam, dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác, vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam (có xuất xứ Việt Nam).