Người bán cũng giật mình vì giá thịt lợn
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi có mức giảm cao nhất lên tới 20.000 đồng vào ngày 4/4, hiện tại, giá thịt lợn đã tăng từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt vai 140.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg), thịt ba chỉ 160.000 đồng/kg (tăng 10.000 – 20.000 đồng/kg). Thịt mông, đùi ở mức 150.000-160.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg)…
"Sáng sớm đi lấy thịt tại lò mổ, tôi giật mình khi nghe giá móc hàm tăng lên 116.000 đồng/kg (tăng thêm 7 nghìn đồng/kg) bởi trước đó ti vi và báo chí nói rất nhiều về việc các công ty lớn đồng loạt giảm giá lợn hơi. Hay hiện tượng lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày nay "muốn mua thịt lợn rẻ lên ti vi mà mua"….khiến tôi không khỏi suy nghĩ", một tiểu thương chợ Nghĩa Tân chia sẻ.
Tại gian hàng khác của chợ Nghĩa Tân, một tiểu thương chuyên lấy lợn hơi từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam cho biết, trong ngày 8/4, giá lợn hơi từ những lái buôn đã lên mức 83 nghìn đồng/kg.
"Từ ngày 7/4 giá lợn hơi đã lên 81nghìn đồng/kg. Mặc dù biết giá lợn hơi tăng cao nhưng đó cũng là điều dễ hiểu vì rõ rằng lợn trong dân không có để mua thì chắc chắn phải theo giá lái buôn", tiểu thương này thông tin thêm.
Tại các chợ dân sinh khác trên địa bàn TP. Hà Nội như Cổ Nhuế (Từ Liêm), Cầu Giấy, Mỹ Đình, Phùng Khoang (Thanh Xuân), Đồng Xa (Từ Liêm)… thịt lợn cũng có mức tăng phổ biến 10.000 – 20.000 đồng/kg, giá bán dao động từ 130.000 – 160.000 đồng/kg.
Trong đó, tại chợ Hà Đông, giá thịt lợn cũng có mức tăng phổ biến khoảng 10.000 đồng/kg. Chị Quyền, một tiểu thương tại chợ Hà Đông cho biết, những loại thịt bán chạy hàng như thịt ba chỉ, chân giò, mông đều được bán với giá 150.000 đồng/kg; Còn thịt vai, thăn…140.000 đồng/kg. Theo đó, đa số tiểu thương nhận định giá lợn sẽ còn tiếp tục đà tăng trong những ngày tới.
Khi nào giá thịt lợn bình ổn?
Từ ngày 1/4, các "ông lớn" trong ngành chăn nuôi đồng loạt tuyên bố giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg. Ngoài ra, hàng nghìn tấn thịt cũng đã được nhập về, tuy nhiên, giá thịt lợn vẫn liên tục "nhảy múa". Theo nhận định từ giới chuyên gia, gốc rễ vấn đề trên là do nguồn cung đang thiếu
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phân tích, hiện tại, nguồn cung thịt lợn trong nước còn thiếu rất lớn so với nhu cầu tiêu dùng. Theo đó, tổng sản lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường trong Quý I/2020 ước đạt 811.000 tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2018.
"Thời điểm này người dân mua rất nhiều thịt lợn để dự trữ khiến nguồn cung tăng cao. Trong khi lượng thịt lợn nhập khẩu vẫn chưa đủ và chủ yếu chỉ bán online, người dân khó tiếp cận. Hơn nữa, thói quen tiêu dùng thịt lợn "nóng" của người dân cũng chưa thay đổi nên việc cam kết giảm giá của 15 doanh nghiệp với thị phần 35% khó "kìm" giá của thị phần 65% còn lại không cam kết giảm giá", ông Tuấn cho hay.
Đồng quan điểm trên, mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn nhìn nhận, trước khi có dịch, thị trường cần tới 910.000 tấn thịt lợn mỗi quý. Tuy nhiên, thời gian vừa qua mới đạt 820.000 - 830.000 tấn, theo đó, phải đến quý IV/2020, ngành chăn nuôi cả nước mới mới đạt được sản lượng yêu cầu.
Ngoài ra, Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng nhận định, 15 doanh nghiệp đã cam kết đồng hành đưa giá lợn hơi về mốc 70.000 đồng/kg nhưng số lượng lợn ở những doanh nghiệp này chưa đủ sức chi phối giá trong nước.
"Kế hoạch tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung nhiều giải pháp, trong đó giải pháp gốc rễ là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội cùng với người nông dân để tăng đàn đảm bảo nhanh nhất nhưng phải an toàn", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT) cũng nhận định, việc thịt lợn không nằm trong danh mục mặt hàng bình ổn giá dẫn đến việc khó khăn khi điều hành giá cả thị trường đối với mặt hàng này.
"Do hiện nay thịt lợn không thuộc mặt hàng bình ổn giá nên các doanh nghiệp cung ứng mặt hàng này không phải chịu các chế tài về bình ổn giá như: Đăng ký giá, các yếu tố hình thành giá…, cũng như các biện pháp điều tiết giá khác. Chính vì vậy, việc đưa thịt lợn vào danh mục mặt hàng bình ổn giá là cần thiết nhằm đưa giá lợn về mức hợp lý hơn", Bà Ngọc phân tích.