Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 4/2019, giá lợn hơi có xu hướng tăng trở lại. Nguyên nhân chủ yếu là sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi (ASF) thời gian qua khiến người chăn nuôi bán tháo trước đó để tránh nhiễm virus nhưng sau đó không dám tái đàn và nhu cầu từ phía người tiêu dùng đã tăng trở lại.
So với cuối tháng 3/2019, giá thịt lợn hơi tại nhiều tỉnh, thành tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg lên phổ biến trong khoảng 39.000 - 49.000 đồng/kg. Ngày 26/4/2019, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động từ 31.000 – 41.000 đồng/kg, tăng 2.000 – 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 3/2019. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên phổ biến từ 35.000 - 44.000 đồng/kg, tăng 1.000 – 6.000 đồng/kg. Giá lợn hơi thương lái thu mua tại các khu vực chăn nuôi trọng điểm phía Nam hiện trung bình từ 40.000 - 48.000 đồng/kg, tăng 3.000 – 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 3/2019.
Thị trường tiêu thụ lợn đang hồi phục tốt và gần trở lại mức trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, thị trường lợn hơi không lo khan hàng, sốt giá trong thời gian tới vì nguồn lợn tồn tại các công ty lớn vẫn khá dồi dào. Đây cũng là nguyên nhân khiến các công ty chăn nuôi đang hạ giá lợn để đẩy hàng ra thị trường. Mặt khác, một số doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng nhập khẩu thịt lợn nên thị trường sẽ khó xảy ra biến động mạnh về giá.
Trên thị trường thế giới, nhìn chung thời gian qua, thị trường thịt lợn thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực gồm Mông Cổ và Việt Nam. Việc gia tăng lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm, có thể gây ra tình trạng thiếu thịt toàn cầu và lo ngại sự bùng phát của dịch bệnh có thể đẩy giá lợn tăng lên.
Theo Rabobank, áp lực dịch bệnh trên toàn cầu sẽ tác động lên nguồn protein động vật toàn cầu theo hai hướng. Đầu tiên, sự bùng phát của các dịch bệnh nguy hiểm dẫn tới sự sụt giảm sản xuất tại địa phương, đặc biệt trong trường hợp không có thuốc, vacxin hoặc bị hạn chế về lượng vacxin. Tác động này có thể duy trì trong một thời gian do khu vực nhiễm dịch bị cấm tái đàn trong ít nhất 6 tháng. Tác động thứ hai là thương mại, và điều này còn quan trọng hơn thiệt hại về sản xuất do bùng phát dịch bệnh khiến hàng loạt hạn chế được triển khai tại các quốc gia bị ảnh hưởng, nhằm kiểm soát rủi ro lây lan dịch bệnh.
Về cung - cầu, theo báo cáo tháng 4/2019 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng thịt lợn toàn cầu dự báo sẽ giảm khoảng 4% trong năm 2019, còn gần 108,5 triệu tấn do sản lượng giảm mạnh ở Trung Quốc. Dịch tả lợn châu Phi đã dẫn đến việc tiêu hủy hàng triệu con lợn tại nước này. Trong khi đó, tại các quốc gia khác, sản xuất thịt lợn lại đang tăng trưởng khá tốt, dẫn đầu là Mỹ với mức tăng đạt khoảng 4% và Brasil là 6%. Sản lượng thịt lợn của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2019 sẽ giảm rất nhẹ so với năm 2018 do giá lợn hơi giảm và chi phí thức ăn cao hơn, nếu năm 2018 là 24,3 triệu tấn thì năm 2019 dự báo là 24,2 triệu tấn; Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu có xu hướng cải thiện có thể khuyến khích các nhà sản xuất mở rộng đàn vào cuối năm 2019.
Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu được dự báo sẽ cao hơn khoảng 8% trong năm 2019 do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế ổn định ở hầu hết các thị trường thịt lợn lớn. EU sẽ vẫn là khu vực xuất khẩu hàng đầu thế giới, với khối lượng ước đạt 3,25 triệu tấn trong năm 2019, tăng 11% so với năm 2018. Mỹ, Canada và Brasil cũng được dự báo lượng xuất khẩu cũng sẽ cao hơn năm trước. Với nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới, với mức nhập khẩu năm 2019 được dự báo tăng 41% so với năm 2018 do tác động từ sự suy giảm đàn lợn nội địa do dịch ASF gây ra.