Yên tâm cửa hàng thịt sạch
Đã thành thói quen thường nhật, cứ sáng sớm, chị Trần Uyên Phương (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) lại tranh thủ ghé vào cửa hàng San Hà Food lựa mua thịt lợn trước khi đi làm. Đây là cửa hàng tiện ích mà công ty San Hà đặt điểm bán ngay tại chung cư Lê Thành, mỗi ngày đưa về 1 con lợn pha lóc để cung cấp thịt cho cư dân trong vùng.
Quen mua thực phẩm tại cửa hàng của công ty nên chị Phương khá yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Từ năm 2019, cửa hàng này đưa thịt lợn tươi nóng về pha lóc, phục vụ ngay tại chỗ càng được nhiều người ghé mua.
Thịt lợn bày bán tại cửa hàng bình ổn giá của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai. Ảnh: P.V
“Ngày cuối tuần mà đến trễ là không còn thịt để lựa chọn” - chị Phương kể.
Tại TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương), chị Trương Mỹ Dung chia sẻ, cứ mỗi lần nghe nói đề nghị giảm giá lợn hơi, chị lại trông ngóng giá thịt ngoài chợ. Nhưng trái với kỳ vọng, giá lợn hơi dù có giảm thì giá thịt lợn giảm rất nhỏ giọt. Vì vậy, chị Dung tìm đến những cửa hàng bán thịt lợn bình ổn giá và đã trở thành khách hàng thường xuyên.
Chị Ngọc Trang, một trong những tiểu thương đầu tiên tham gia chương trình quầy thịt lợn sạch ở chợ Thủ Dầu Một cho biết, các cửa hàng này kết nối sản xuất với tiêu thụ nên giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm thịt lợn an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Sức mua sản phẩm thịt lợn tại quầy vì thế rất ổn định, mối quen cũng ngày càng tăng.
Theo Ban quản lý chợ Thủ Dầu Một, từ năm 2017, chợ đã vận động, tạo điều kiện cho các tiểu thương tham gia chương trình kinh doanh thịt lợn sạch. Tiểu thương sẽ được hỗ trợ mặt bằng kinh doanh, nguồn thực phẩm cung ứng ổn định và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Từ 12 sạp ban đầu, đến nay chợ đã mở được 18 sạp thịt lợn an toàn. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương - Trưởng ban quản lý chợ cho rằng, đây là tín hiệu tốt bởi chuỗi quầy sạp thuộc chương trình giúp người kinh doanh, sản xuất xây dựng chuỗi liên kết, tạo điều kiện cho người tiêu dùng nhận biết dễ dàng các điểm kinh doanh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, giá thành và nguồn cung luôn được cung cấp đầy đủ cho các tiểu thương.
Cắt giảm trung gian
Cung cấp số lượng không nhiều nhưng cứ mỗi khi thị trường có biến động, cửa hàng bán thịt lợn của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng là điểm đến quen thuộc của nhiều người dân TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Trong suốt quá trình kinh doanh, cửa hàng này luôn duy trì chính sách bán thịt lợn với giá bình ổn.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, mô hình kinh doanh liên kết, cắt giảm trung gian và bán hàng theo cách “tử tế” đang góp phần đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng và tương lai của ngành thịt lợn trong nước. |
Bà Hoàng Thị Phương Thùy - chủ quầy hàng bán thịt lợn kể, những ngày gần đây, cửa hàng phải tăng cường thêm người phụ bán, tăng sản lượng thịt lên 2 con/ngày để kịp phục vụ khách hàng. Nếu thị trường bán đùi lợn 130.000 đồng/kg thì ở đây bán giá 110.000 đồng/kg; ba rọi chợ bán 180.000 đồng/kg thì ở đây chỉ bán 150.000 đồng/kg.
“Cửa hàng bán với mục đích tiêu thụ lợn cho xã viên nhiều hơn là để thu lợi nhuận cao” - bà Thùy nói.
Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai giải thích, nhờ cắt bỏ các khâu trung gian để đưa thịt lợn trực tiếp từ lò mổ đến cửa hàng, điểm bán bình ổn này đang bán thịt thấp hơn giá thị trường từ 10 - 15%. Đây là động thái góp phần hạ nhiệt giá thịt lợn.
Hiệp hội có những ký kết chắc chắn với doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo nguồn cung luôn đầy đủ. “Giá bán ra sẽ điều chỉnh từng ngày theo giá thị trường, bất kể giá thị trường giảm hay đột biến tăng cao” - ông Công nói.
Ngoài cửa hàng này, trên địa bàn Đồng Nai còn có nhiều đơn vị khác đang bán thịt lợn với giá bình ổn, thấp hơn giá thị trường từ 10-20%. Đặc điểm chung của các cửa hàng này là đều kinh doanh theo mô hình khép kín.
Tức là từ khâu chăn nuôi, sản xuất con giống, thức ăn đến giết mổ, phân phối… đều do chính đơn vị đó thực hiện. Nhờ cách làm này, giá thành đầu tư được rút giảm, đồng thời rút ngắn tối đa các khâu trung gian. Giá thịt bán bán ra vì thế cũng rẻ hơn.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đây là mô hình kinh tế hợp tác có lợi cho cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng và hạn chế được những rủi ro đến từ sự bấp bênh trong khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, thực tế trên cả nước ít vẫn chưa có nhiều mô hình hợp tác như thế này.
Tương lai gần, khi thực thi các cam kết theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, thịt ngoại sẽ cạnh tranh gay gắt với thịt trong nước. Ngành chăn nuôi lợn trong nước cần phải có sự thay đổi, nâng cao chất lượng thịt, hạ giá thành và tạo được một mối liên kết đủ vững chắc để cạnh tranh.
“Cần mạnh dạn hơn trong việc tạo các điều kiện để các loại kinh tế hợp tác, các HTX dám thực hiện chuỗi liên kết này” - ông Công chia sẻ.