Việc thị trường tắc nghẽn nguồn cung, thiếu trầm trọng dự án mới đẩy giá nhà đất tăng cao ngất ngưỡng. Không chỉ ở khu vực trung tâm mà các quận vùng ven Tp.HCM như Quận 9, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn cũng tăng từ 20-50% tùy khu vực.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS khi chỉ trong năm 2019 đã có gần 700 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường mà còn cản trở ước mơ an cư của nhiều cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó một lĩnh vực khác cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc khan hiếm nguồn cung BĐS đó là các quán ăn, nhà hàng, shop quần áo, quán cà phê… đang phải thuê bặt bằng kinh doanh hàng tháng.
Thực tế là khi giá nhà/đất tăng cao thì các chủ nhà thường sẽ tăng giá mặt bằng. Trong khi đó, thực tế cho thấy hiện nay tỉ lệ cạnh tranh về các lĩnh vực dịch vụ như quán cà phê, nhà hàng là rất cao nên mức lợi nhuận trong lĩnh vực này không phải là quá lớn. Nhiều chủ quán cho biết cách đây vài năm giá mặt bằng ở mức vừa phải nên vẫn đủ chi phí duy trì hoạt động, dư chút ít sau khi trừ đi tiền nhân công, điện nước và các khoản chi phí lặt vặt khác. Tuy nhiên, trong 2 năm 2018 và 2019 thì các chủ nhà liên tục tăng giá mặt bằng khiến cho nhiều hàng quán phải đóng cửa.
Anh Trần Văn L., chủ một quán cà phê có quy mô nhỏ trên đường Nguyễn Văn Lượng, Quận Gò Vấp, Tp.HCM cho biết năm 2017, vợ chồng anh thuê mặt bằng chỉ với giá 17 triệu đồng, ký hợp đồng 2 năm nhưng hàng tháng sau khi trừ tiền thuê mặt bằng và các khoản chi phí khác thì chỉ đủ để trang trải phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, mới đây anh L. nhận được thông báo của chủ nhà rằng đến tháng 3/2020 sẽ tăng giá gấp đôi vì giá nhà đất hiện đã tăng rất cao. Trước tình hình này, anh L. dự định đóng cửa quán và chuyển qua đi buôn bán hoặc đi làm công ăn lương, bằng không sẽ không đủ tiền trả mặt bằng.
Tương tự, chị Lan Nhi - chủ một nhà hàng tại Quận 9 cũng đã phải đóng cửa quán nhậu vào tháng 8/2019 do chủ nhà muốn tăng giá cho thuê mặt bằng. Chị Nhi cho biết mặc dù quán có đồ ăn ngon, nằm trong khu dân cư đông đúc, quán luôn trong tình trạng kín khách đến ăn vào giờ cao điểm nhưng do tiền mặt bằng quá cao, cộng với số lượng nhân viên khá đông nên sau khi chị Nhi trừ hết chi phí thì gần như chỉ đủ trang trải phí sinh hoạt. Trước đó, chị Nhi dự định sẽ cơi nới quán, sửa sang mới hơn và tăng tiền cho các món ăn để bù lại chi phí mặt bằng nhưng khi được chủ nhà thông báo sẽ tăng giá, chị Nhi đành ngậm ngùi đóng cửa vì lo lắng thu không đủ bù chi.
Hay anh Nguyễn Văn K., chủ một phòng tập Gym ở Quận 12 cũng vừa phải đóng cửa một phòng tập trên đường Tân Thới Hiệp 07 vì khoản lãi không đủ trả chi phí mặt bằng. Anh K. cho biết vào năm 2018 vợ chồng anh thuê mặt bằng với giá 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau đúng 1 năm hoạt động thì lượng khách ghé phòng chỉ khoảng một trăm lượt 1 ngày. Thế nhưng, chủ mặt bằng lại ra thông báo sẽ tăng thêm 10 triệu trong năm 2020. Ngoài tiền mặt bằng, hàng trăm khoản chi phí khác cộng lại khiến cho phòng tập Gym bị lỗ nặng. Cực chẳng đã, anh K. đành phải sang lại phòng tập và chấp nhận chịu lỗ 400 triệu.
Có thể nói, sự khan hiếm nguồn cung trong lĩnh vực BĐS đã tác động không nhỏ đến người mua nhà và tình hình kinh doanh nói chung của người dân. Các chuyên gia cho rằng, nếu trong năm nay mà không được tháo gỡ thì có lẽ thị trường sẽ rơi vào giai đoạn đóng băng tương tự như 10 năm về trước. Và khi đó, có lẽ người có thu nhập thấp sẽ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.