Tại Hà Nội, từ tháng 8 tới tháng 9 hàng năm, khi chuẩn bị vào năm học mới, nhu cầu thuê nhà trọ của sinh viên tăng cao. Năm nay, giá thuê phòng trọ và các dịch vụ đi kèm tăng đột biến...
Giá thuê từ 3 triệu đồng /phòng trở lên
Những ngày qua, Bùi Duy Hưng (sinh năm 2006, cựu học sinh trường THPT Tiên Du số 3, Bắc Ninh, vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và đã biết chắc chắn sẽ đậu đại học tại Hà Nội), tất tả phi xe máy vào nhiều ngõ phố tại Hà Nội để xem phòng trọ, nhưng chưa tìm được nơi nào ưng ý. Từ quận Thanh Xuân, Đống Đa tới Cầu Giấy, giá thuê tối thiểu cho một phòng mà Hưng tìm đến đều từ 3 triệu đồng trở lên.
“Nhiều nơi quảng cáo giá phòng trên web và mạng xã hội chỉ từ 2 tới 2,5 triệu đồng, nhưng khi em tới xem thì họ lại đẩy lên 3 tới 4 triệu đồng”, Hưng nói. Nhiều lý do được chủ nhà trọ đưa ra để tăng giá như vừa thay nội thất mới, bổ sung thêm các thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC)…
“Trong khi đó, nhiều căn nhà trọ, những gì được bổ sung chỉ là một vài bình chữa cháy có giá từ 200.000 đồng tới 500.000 đồng/bình cùng bảng chỉ dẫn PCCC. Em nghĩ đây chỉ là cái cớ để họ đẩy giá phòng trọ lên. Vì dù có bình chữa cháy mà không có lối thoát hiểm, lối đi không đủ rộng cho xe chữa cháy… thì người thuê vẫn không yên tâm”, Hưng nói.
Tương tự, Nguyễn Bảo Ngọc (sinh năm 2006, cựu học sinh trường THPT Công nghiệp Việt Trì, Phú Thọ), chuẩn bị bước vào cuộc sống sinh viên nhưng loay hoay cả tuần mà vẫn chưa tìm được nhà trọ. Lựa chọn khả dĩ nhất của Ngọc lúc này là một phòng trọ diện tích 35 mét vuông tại Cầu Giấy có giá 4,5 triệu đồng/tháng. Cộng thêm các chi phí sinh hoạt như tiền điện, nước, internet, vệ sinh…, tổng chi phí hơn 5 triệu đồng/tháng.
Dữ liệu của kênh Batdongsan.com.vn cho thấy, nhà trọ là phân khúc duy nhất tăng trưởng trên thị trường cho thuê đầu năm nay. So với cuối năm ngoái, mức độ quan tâm với phân khúc này tăng 12-15% theo tháng. Nhu cầu tìm thuê trọ tại Hà Nội trên website tăng khoảng 29% trong vài tháng qua.
“Với mức giá này, em phải ở ghép cho tiết kiệm. Em mới lên Hà Nội được vài ngày, chưa quen được ai. Trước mắt em thuê ở riêng sau sẽ chọn một bạn ở cùng cho phù hợp vì nếu tìm người không hợp tính nhau sẽ rất dễ xảy ra xung đột”, Ngọc chia sẻ.
Ngoài tân sinh viên, những sinh viên đã sống và học tập nhiều năm ở Hà Nội cũng không nằm ngoài vòng xoáy của cơn “bão giá” thuê trọ .
Gần 1 tháng nay, Trần Đức Anh, sinh viên năm 3 trường Đại học Luật Hà Nội chỉ dám ăn mì tôm và cơm bụi giá rẻ với chi phí từ 20.000 đồng tới 30.000 đồng/suất.
Khu nhà trọ Đức Anh đang ở tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, vừa tăng giá từ 5 triệu đồng lên 5,5 triệu đồng cho một phòng trọ 35 m2. Trong khi, người bạn ở cùng mới chuyển đi, Đức Anh chưa tìm được người mới ở ghép.
Ngoài tiền thuê trọ , từ năm học 2022-2023, học phí của trường tăng từ 464.000 đồng/tín chỉ lên 607.000 đồng/tín chỉ và chưa rõ năm nay có tăng hay không. Hiện để trang trải chi phí, hàng ngày, Đức Anh phải chạy xe ôm công nghệ. Đức Anh cho biết, sẽ tìm một phòng trọ khác xa trường và kém tiện nghi hơn để đỡ chật vật.
Tăng giá vì PCCC và vật giá leo thang
Anh Nguyễn Tuấn Dũng, chủ nhà trọ trong ngõ 25 Vũ Ngọc Phan (Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vừa qua, các nhà trọ liên tục bị thanh kiểm tra sau các vụ cháy nghiêm trọng tại Hà Nội và bắt buộc phải đầu tư thêm hệ thống PCCC nên buộc phải tăng giá cho thuê.
“Việc tăng giá thuê không chỉ phụ thuộc vào trang thiết bị PCCC, mà còn phụ thuộc vào cả vị trí của nhà trọ. Ví dụ, những nhà trọ nằm ở vị trí thông thoáng, có đường đủ rộng cho xe cứu hỏa đi vào đương nhiên sẽ có giá thuê cao hơn những nhà trọ nằm trong khu vực chật hẹp, xe cứu hỏa không đi vào được”, anh Dũng nói.
Một chủ nhà trọ trong ngõ 73 Tân Triều (Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội), chia sẻ, việc tăng giá thuê phòng trọ là điều tất yếu vì nhà trọ cũng như các sản phẩm khác đều phải tăng giá theo thời gian.
“Các mặt hàng khác có thể tăng vào đầu năm hoặc bất cứ thời điểm nào trong năm. Còn nhà trọ sinh viên, chúng tôi thường tăng giá khi có lứa sinh viên nhập học mới. Sinh viên ra Hà Nội học ngày một đông hơn mà nhà trọ, chung cư mini xây mới lại không nhiều nên tăng giá là điều tất yếu.
Chưa kể, bây giờ, từ đồ gia dụng tới bó rau ngoài chợ đều tăng giá nên chúng tôi cần có thêm chi phí trang trải cuộc sống”, người này cho biết.