Kiên Giang là tỉnh có ngư trường rộng hơn 63.000km2, với đội tàu khai thác trên 10.000 chiếc, trong đó gần 50% số lượng là đội tàu khai thác xa bờ, công suất lớn. Tuy nhiên, nguồn lợi khai thác hải sản ngày càng suy giảm khiến nhiều tàu cá hoạt động không hiệu quả.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Kiên Giang, trong 10 năm qua, năng suất khai thác bình quân của tàu cá đang có xu hướng giảm mạnh, từ 0,253 tấn/mã lực (năm 2008) xuống còn 0,206 tấn/mã lực (năm 2018).
Bên cạnh đó, các loại cá tạp chiếm tỷ lệ rất cao trong cơ cấu sản phẩm khai thác, cùng với việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chậm được cải thiện, đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả trong hoạt động khai thác của ngư dân.
Nhiều chủ tàu cá tìm cách cầm cự bám biển nhưng hiện giá bán hải sản đang sụt giảm sâu, khiến khó khăn chồng thêm khó khăn. Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá, cho biết: “Hiện nay, mỗi chuyến biển trở về tàu cập bến là các chủ tàu cá lại thêm lo vì thua lỗ. Nguyên nhân do giá bán nhiều mặt hàng hải sản đã giảm rất sâu, từ 30 - 40% so với mấy tháng trước”.
Theo ông Ngữ, các mặt hàng hải sản giảm giá mạnh chủ yếu là hàng xuất đi Trung Quốc. Các mặt hàng xuất đông nguyên con (cá nguyên liệu), như cá hố, cá lạt, cá bò, hải mã… hiện nay đang bị mất giá trầm trọng. Vì vậy, nguồn thu từ bán cá không đủ bù chi phí đi biển, chủ tàu thua lỗ nặng. Hiện chỉ còn khô cá mực là giá còn tương đối, do sản lượng không nhiều. “Trước đây, một cặp tàu đi chuyến biển về có thể thu 2 - 3 tấn mực khô, giờ giỏi lắm là vài trăm ký”, ông Ngữ cho biết.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh có đội tàu lớn nhưng nhiều chủ tàu đang gặp chồng chất khó khăn. Nguồn lợi thủy sản khai thác giảm, thiếu lao động đi biển và gần đây là giá bán hải sản giảm mạnh do xuất khẩu gặp bất lợi. Trong đó, giảm mạnh nhất là mặt hàng nguyên liệu nguyên con xuất thô (hàng muối đá) đi Trung Quốc. Việc chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại, sử dụng máy móc thay lao động thủ công ngư dân cũng đang gặp lúng túng.
Riêng về việc xuất khẩu hải sản phải có xuất xứ rõ ràng cũng gặp những khó khăn nhất định. Tỉnh đã quy định hai cảng các được xác định nguồn gốc hải sản khai thác cho ngư dân là Tắc Cậu (huyện Châu Thành) và An Thới (huyện đảo Phú Quốc). Nếu doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu mà mua nguyên liệu không qua cảng thì không thể có xác nhận. Mà không có xác nhận thì không được chứng nhận nguồn nguyên liệu hợp pháp, không thể xuất khẩu chính ngạch được.
Ngoài ra, nguồn hải sản đánh bắt nhưng mua ở các tỉnh lân cận, rồi đi bằng đường sông về cũng rất khó xác nhận nguồn gốc. “Vì theo quy định, tàu cá phải có đăng ký, có thiết bị giám sát hành trình và có đăng ký khai thác thì mới có căn cứ để xác nhận nguồn gốc khai thác hợp pháp", ông Thao cho biết.
Việc tiêu thụ các mặt hàng hải sản gặp nhiều khó khăn. |
Tại Cà Mau, tổng sản lượng thủy sản ước tính đến hết tháng 6/2019 đạt 286.500 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ, đạt 51,2% kế hoạch. Trong đó sản lượng tôm ước đạt 93.350 tấn, tăng 6,7% so cùng kỳ, đạt 44,8% kế hoạch.
Riêng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 115.000 tấn, tăng 7,1% so cùng kỳ, đạt 57,5% kế hoạch; trong đó ước đạt 5.450 tấn tôm, giảm 22,7% so cùng kỳ, đạt 43,6% kế hoạch.
Tuy nhiên, do thời gian gần đây Trung Quốc cấm Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản qua đường tiểu ngạch, phải xuất khẩu sang đường chính ngạch, nên nhiều doanh nghiệp cũng như người nuôi tôm lo sợ giá tôm nguyên liệu sẽ giảm, nên e ngại mở rộng diện tích thả nuôi vì sợ thua lỗ.
Cụ thể, trong khoảng 4 tháng đầu năm giá tôm ở mức cao, thì ở thời điểm hiện tại, giá tôm sú nguyên liệu giảm mạnh, loại 20 con/kg từ 250.000 - 260.000 đồng/kg (giảm 70.000 đồng/kg so cùng kỳ); loại 30 con/kg: 180.000 - 190.000 đồng/kg (giảm 70.000 đồng/kg so cùng kỳ); tôm sú loại 40 con/kg: 150.000 - 160.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg so cùng kỳ). Riêng chỉ có giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg từ 92.000 - 95.000 đồng/kg (tăng 8.000 - 10.000 đồng/kg so cùng kỳ).
Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết: “Việc Trung Quốc cấm các mặt hàng sản phẩm thủy sản cả nước ta nói chung, cũng như tỉnh Cà Mau nói riêng qua đường tiểu ngạch, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua đường chính ngạch như thế sẽ đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn quốc tế cũng như tiêu chuẩn trong khu vực, từ đó, chất lượng mặt hàng thủy sản xuất khẩu sẽ được nâng lên, đảm bảo được truy xuất được nguồn gốc, thương hiệu… đó cũng xem như là một hướng tốt”...