Vụ tai nạn máy bay thảm khốc ở Indonesia vừa qua đang thu hút được sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên có một sự thật mà giới chuyên gia lẫn truyền thông lại quan tâm hơn cả là chiếc máy bay Lion Air Flight JT610 lại là một chiếc Boeing hoàn toàn mới.
Mặc dù nguyên nhân của vụ tai nạn chưa được làm rõ nhưng các chuyên gia đã đặt ra nghi vấn với chiếc máy bay này. Dòng Boeing 737 MAX 8 là một dòng máy bay hoàn toàn mới, vụ tai nạn vừa qua cũng là vụ tai nạn đầu tiên của dòng máy bay này kể từ khi ra đời.
Chiếc máy bay gặp tai nạn vừa qua của Lion Air cũng mới chỉ đi vào hoạt động từ ngày 15/8/2018 và mới chỉ bay được 800 giờ.
Theo những chuyên gia, ngoài các yếu tố kỹ thuật, việc đưa máy bay mới vào sử dụng cũng nguy hiểm không kém các máy bay cũ bởi chúng chưa được kiểm định an toàn tuyệt đối qua các chuyến bay thực tiễn cũng như chưa được các phi công làm quen.
Trong vụ việc trên, đài không lưu Jakarta được phi công thông báo xin phép quay lại sân bay chỉ ít phút sau khi cất cánh. Điều này khiến giả định về một sự trục trặc kỹ thuật khiến máy bay rơi ngày càng dâng cao.
Theo hãng tin BBC, nhật ký kỹ thuật của chuyến bay từ Bali đến Jakarta của chính chuyến bay trước khi xảy ra tai nạn khi bay chuyến tiếp theo cho thấy thông số đo tốc độ gió từ thiết bị lái của cơ trưởng không chính xác, còn đồng hồ đo áp suất của cơ trưởng lại có chênh lệch với cơ phó.
Với những trục trặc trên, cơ trưởng chuyến bay đã để cơ phó cầm lái và họ đã hạ cánh an toàn xuống Jakarta. Tuy nhiên chuyến bay tiếp theo thì lại không may mắn được như vậy.
Hãng Lion Air chưa xác nhận bất kỳ thông tin nào nhưng ngày càng nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân kỹ thuật của dòng máy bay mới nhiều khả năng là thủ phạm gây ra tai nạn.
Chuyên gia phân tích Gerry Soejatman nói với BBC rằng không riêng gì máy bay cũ, các dòng máy bay mới cũng có rủi ro tai nạn cao khi chúng bộc lộ những khuyết điểm mà chỉ khi đưa vào vận hành mới bị phát hiện. Thông thưởng các hãng hàng không sẽ khắc phục những khuyết điểm này trong vòng 3 tháng đầu bay thử.
Trớ trêu thay, chiếc máy bay gặp tai nạn trên mới vượt qua đợt bay thử 3 tháng vài tuần.
Một chuyên gia khác là Jon Ostrower cũng cho biết các máy bay mới thường không được bảo trì nhiều bởi mọi thứ còn quá mới và đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra vụ việc đáng tiếc trên.
Dẫu vậy, các chuyên gia đều thống nhất rằng chưa thể kết luận điều gì đã gây ra vụ tai nạn trên bởi có quá nhiều yếu tố tác động.
Trong khi đó, Indonesia từng có nhiều vụ rơi máy bay trước đây và một số chuyên gia cho rằng có thể yếu tố con người hoặc tầm nhìn kém đã khiến tai nạn xảy ra.
Thông thường cơ trưởng và cơ phó sẽ kiểm tra chéo dữ liệu của nhau trước khi cất cánh và dừng chuyến bay nếu có bất thường. Trong chuyến bay từ Bali tới Jakarta trước đó, có vẻ cơ trưởng đã xử lý được tình hình và có thể Lion Air đã thay máy tính bị lỗi rồi cho rằng vấn đề đã được giải quyết, để rồi tai nạn thương tâm xảy ra khi chiếc máy bay cất cánh từ Jakarta đi Pinang.
Vụ tai nạn khiến Lion Air cũng như nhiều hãng hàng không giá rẻ lao đao bởi nhiều người cho rằng phi công của các hãng này không được đào tạo đầy đủ để xử lý những sự cố từ những chiếc máy bay mới. Tại các hãng hàng không thường, phi công được huấn luyện bằng mô phỏng bay 6 tháng mỗi lần và thực hành xử lý các tình huống, nhưng những phi công làm việc cho hàng không giá rẻ lại không được đào tạo chuyên sâu như vậy.
Trước đó, diễn viên Conchita Caroline từng sử dụng dịch vụ của Lion Air trên chuyến bay ngày 28/10 đến Bali cũng bằng Boeing 737 MAX 8 cho biết chiếc máy bay này có vẻ chết động cơ vài lần trước khi cất cánh được, điều hòa nhiệt độ thì hỏng còn sàn máy bay thì quá nóng khiến cô không thể thả chân xuống sàn.
Hãng Boeing cho biết công ty chia sẻ niềm tiếc thương vô hạn với những mất mát và sẽ hợp tác để điều tra nguyên nhân. Theo Boeing, 737 MAX là dòng máy bay bán chạy nhất của hãng trong lịch sử với gần 4.700 đơn hàng đã được ký.