Theo Tổng cục Thống kê, quý I, sản lượng hồ tiêu ước đạt 76.300 tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017. Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/3, lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt 41.914 tấn trị giá 159,5 triệu USD, tăng 17,3% về lượng nhưng giảm 32,1% vể giá trị so với cùng thời điểm năm 2017. Giá xuất khẩu trung bình chỉ đạt 3.804,7 USD/tấn, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh: Báo Công Thương
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thị trường hồ tiêu trong nước tháng 3 giảm mạnh 9.000- 10.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Lắk- Đắc Nông, Gia Lai hiện ở mức 53.000 đồng/kg, tại Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai là 54.000 đồng/kg.
Đây là các mức giá thấp nhất 5 năm trở lại đây, bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoài và bằng 1/4 giá giữa năm 2016. Trong quý I, giá hồ tiêu giảm 17.000- 19.000 đồng/kg so với cuối năm 2017.
Năm 2017 đánh dấu năm giá tiêu sụt giảm mạnh khi từ mức gần 140.000 đồng/kg xuống khoảng 70.000 đồng/kg. Đà thả dốc này tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2018 khi giá chỉ còn khoảng hơn 50.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nguyên nhân giá hồ tiêu giảm sâu là do cung vượt cầu, diện tích hồ tiêu cả nước tăng mạnh và sản lượng tiêu cũng đạt mức kỷ lục. Đây cũng là tín hiệu bão hòa khi Việt Nam là nước chiếm trên 50% sản lượng tiêu thế giới, diện tích và sản lượng tăng liên tục trong những năm gần đây.
Diện tích hồ tiêu năm 2017 đạt 152.000 ha, tăng 17,6% tương đương 22.700 ha so với năm 2016. Sản lượng đạt 241.500 tấn, tăng 11,6% tương đương 25.100 tấn. Trong khi đó theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu năm 2014, mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030 của cả nước diện tích trồng hồ tiêu chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha, như vậy diện tích trồng tiêu hiện đã gấp nhiều lần quy hoạch ban đầu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, riêng trong năm 2018, tuy năng suất hồ tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam, có thể giảm, nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn 2017 và cao hơn nhu cầu.Điều này khiến giá thế giới có xu hướng không tăng, lợi nhuận từ sản xuất hồ tiêu với nông dân không được như những năm trước. Xuất khẩu tiêu Việt Nam sẽ khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước NK như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan..
Khó khăn chồng chất khó khăn khi cây tiêu chết hàng loạt, tạo gánh nặng lên nông dân. Theo Hiệp hội Hồ tiêu, nông dân ở xã Ea Lai, huyện M’Đrăk tỉnh Đắk Lắk mất ăn mất ngủ vì tiêu bị bệnh chết hàng loạt. Thống kê đến cuối tháng 3, 13,5% diện tích hồ tiêu toàn xã Ea Lai chết, tương đương 58,6 ha. Hầu hết diện tích hồ tiêu còn lại cũng chịu ảnh hưởng, làm giảm năng suất.
Huyện Bù Đốp (Bình Phước) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tính từ đầu năm đến nay, huyện này có trên 150 ha hồ tiêu bị chết chưa rõ nguyên nhân.
Nông dân huyện như Chư Pưh, Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cũng phải điêu đứng vì tiêu chết hàng loạt. Ông Hoàng Phước Bính- Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Sê cho biết "Tình trạng tiêu chết năm nào cũng diễn ra. Chủ yếu là do dịch bệnh và yếu tố thời tiết. Năm nay người nông dân bị 2 nỗi "buồn" là "mất mùa" và "mất giá".
Ông Bính nói thêm việc cây tiêu chết nhưng giá vẫn liên tục giảm do "cây tiêu chết 1 người dân trồng 10 thậm chí còn hơn 10" nên sản lượng vẫn tăng. Sản lượng dư từ năm 2017 do những năm trước thiếu nguồn cung nên giá tiêu mạnh khiến người nông dân đổ xô trồng tiêu. Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Sê cho biết theo thông lệ mọi năm tình trạng tiêu chết sẽ kết thúc khi hết mùa mưa.