Theo ông Hoàng Phước Bính, PCT Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), đến ngày 19/3, giá tiêu đầu giá ở Gia Lai chỉ còn 53.500 đ/kg. Như vậy, so với hồi đầu vụ, giá tiêu đã giảm tới khoảng 30.000 đ/kg.
Điều đáng lo ngại nhất là giá tiêu đang giảm xuống quá nhanh. Ngày 9/3, giá tiêu ở Gia Lai giảm xuống dưới mức 60.000 đ/kg. Chỉ hơn 10 ngày sau, đã chỉ còn 53.000 đ/kg (giá cập nhật ngày 20/3). Ông Bính cho biết, trước đây, ông từng dự báo giá tiêu có thể giảm xuống chỉ còn khoảng 50.000 đ/kg, nhưng phải tới tháng 4 hoặc tháng 5 năm nay, mới xảy ra điều đó. Thế nhưng, đến thời điểm này, giá tiêu đã gần xuống tới mức đó rồi.
So với giá thành sản xuất của nông dân, giá tiêu đang dần chạm tới mức “nguy hiểm”. Bởi giá thành sản xuất tiêu bình quân hiện nay là 49.000 đ/kg, giá thành ở khu vực Tây Nguyên khoảng 45.000-47.000 đ/kg, ở ĐNB là hơn 50.000 đ/kg. Như vậy, nếu giá tiêu tiếp tục giảm trong những ngày tới, người trồng tiêu sẽ không còn lợi nhuận, thậm chí có thể lỗ.
Giá tiêu còn giảm đến mức nào? Ông Bính cho rằng, với đà này, giá tiêu sẽ còn giảm tiếp xuống mức 50.000 đ/kg, thậm chí có thể hơn nữa. Bởi tuy Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt bán ra khi giá thấp, nhưng áp lực nguồn cung cũng như giá tiêu giao dịch trên thị trường thế giới sẽ có tác động không nhỏ tới giá tiêu ở Việt Nam.
Theo các nguồn tin thương mại, giá hạt tiêu Brazil và một số nước hiện đang được chào bán ở mức khá thấp. Trong tuần qua, giá tiêu đen của Brazil được chào bán ở mức trên dưới 3.000 USD/tấn, giá tiêu đen Indonesia dao động quanh mức 2.900 USD/tấn, giá tiêu đen XK của Việt Nam hiện cũng giao dịch quanh mức 3.000 USD/tấn… Điều này cho thấy nguồn cung hạt tiêu trên thế giới đang rất dồi dào.
Theo nhận định của một số chuyên gia ngành hồ tiêu, chu kỳ giảm giá sẽ còn kéo dài trong mấy năm tới. Bởi như đã nói ở trên, không chỉ ở Việt Nam, mà diện tích và sản lượng tiêu đã tăng mạnh tại nhiều nước khác như Brazil, Campuchia… khiến cho cung đang cao hơn nhiều so với cầu. Nhiều khả năng phải đến năm 2022-2023 trở đi, cán cân cung – cầu trên thị trường hồ tiêu thế giới mới được cân bằng trở lại theo hướng ổn định hơn cho người sản xuất, XK hồ tiêu.
Tất nhiên, để cân bằng lại cán cân cung – cầu, không thể chỉ ngồi chờ nhu cầu thị trường tăng lên kịp với nguồn cung, mà cũng cần có những động thái quyết liệt để giảm diện tích, sản lượng tiêu. Chính vì vậy, các chuyên gia ngành hồ tiêu đều đồng tình với định hướng của Bộ NN-PTNT là phải tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu theo hướng giảm diện tích, nhất là ở những vùng, những nơi sản xuất không thuận lợi, không trồng mới trên những diện tích đã chết vì bệnh, đẩy mạnh việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến XK…
Riêng với những hộ trồng tiêu lâu năm, đã có nhiều kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật sản xuất hồ tiêu, có vườn tiêu trồng ở nơi phù hợp với loại cây này, và có quyết tâm gắn bó lâu dài với cây tiêu, cần cố gắng chăm sóc, duy trì vườn tiêu, chấp nhận lợi nhuận ở mức thấp trong những năm tới, cho đến khi giá tiêu phục hồi trở lại. Theo ông Bính, chắc chắn sau chu kỳ giảm giá này, cộng với nỗ lực của ngành nông nghiệp và các DN trong việc tái cơ cấu lại ngành hàng hồ tiêu, chắc chắn sau này, ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ phát triển một cách ổn định, bền vững hơn.