Nửa đầu năm 2022, cả nước đã xuất khẩu 125.553 tấn, với kim ngạch 568,8 triệu USD.
Nhận định trên được nêu trong báo cáo hoạt động ngành hàng 6 tháng đầu năm 2022 và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA).
Sản lượng và giá bán hạt tiêu năm 2022 cùng giảm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), diện tích cây tiêu năm 2020 đạt 130.838 ha, tuy nhiên diện tích này đã giảm trong năm 2021 và 2022. Sản lượng tiêu năm 2022 ước đạt 175.000 tấn, giảm 10% so với 2021.
Nguyên nhân giảm do nhiều vườn tiêu tại các tỉnh trọng điểm đang bị nhiễm sâu bệnh và chết do canh tác sai phương pháp, bón phân, thuốc quá liều lượng, kích thích tăng năng suất.
Đồng thời giá tiêu xuống thấp giai đoạn 2019-2020 nên người dân không chăm sóc dẫn tới vườn tiêu bị kiệt quệ và bị xóa sổ, chi phí vật tư đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc, nhân công, xăng dầu...), trong khi giá tiêu vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Ngoài ra, dịch bệnh trên cây tiêu vẫn phổ biến ảnh hưởng đến năng suất cây tiêu, tình trạng biến đổi khí hậu vẫn diễn ra khó lường.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraina, giá nhiên liệu và giá nhiều mặt hàng hóa khác tăng mạnh, khiến nền kinh tế nhiều nước tăng trưởng chậm, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu cũng giảm xuống.
"Trung Quốc – thị trường chính của hồ tiêu Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách "Zero COVID" đã kéo sức mua chậm lại, và làm giá tiêu trong nước giảm so với quý 1/2022.
Giá tiêu từ mức trên dưới 80.000 đồng/kg vào thời điểm đầu năm và tăng lên 86.500 đồng/kg vào giữa tháng 3. Tuy nhiên giá liên tục giảm ở các tháng tiếp theo và hiện giá chỉ còn trên dưới 70.000 đồng/kg", bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPA cho biết.
Đỉnh điểm thu hoạch hồ tiêu toàn cầu đã qua và áp lực bán ra không lớn. Hiện nay, thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2022 đã kết thúc ở Việt Nam, Campuchia và Ấn Độ. Trong khi Malaysia, Indonesia và Brazil vẫn đang trong giai đoạn thu hoạch.
Theo IPC, tổng nguồn cung hạt tiêu toàn cầu năm 2022 ước đạt 535 ngàn tấn, giảm gần 3% so với năm 2021 và giảm chủ yếu từ Việt Nam và Ấn Độ. Nhu cầu toàn cầu năm nay yếu hơn so với mọi năm, đặc biệt sức mua sụt giảm từ thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường mua lớn nhất thế giới đã đẩy giá tiêu xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua.
Công ty Trân Châu là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất nước
Nửa đầu năm 2022, cả nước đã xuất khẩu 125.553 tấn, với kim ngạch 568,8 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 106.705 tấn, trị giá 456,4 triệu USD, tiêu trắng đạt 18.848 tấn, trị giá 112,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 19,1% về lượng, tương đương 29.621 tấn, nhưng kim ngạch tăng 13,5%, tương đương 67,6 triệu USD.
Tập đoàn Trân Châu tiếp tục là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu cả nước với 16.131 tấn, tăng 16,1%. Tiếp theo là Olam đạt 14.209 tấn, tăng 19,8%; Nedspice đạt 9.602 tấn, giảm 0,2%; Phúc Sinh đạt 8.119 tấn, giảm 5,5%; Haprosimex JSC đạt 7.695 tấn, tăng 21,3%…
6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc đạt 5.609 tấn, giảm 80,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng nhập khẩu tiêu của Mỹ đứng đầu đạt 30.109 tấn và giảm 8%, nhập khẩu cũng giảm ở Anh, Nga, Pháp, Pakistan, Ai Cập, Nam Phi… Chỉ một vài thị trường có lượng nhập khẩu tăng như: Đức, Hà Lan, Ireland, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Việt Nam cũng là nước nhập khẩu tiêu lớn nhất thế giới
Nửa đầu năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 21.299 tấn, trong đó tiêu đen đạt 18.045 tấn, tiêu trắng đạt 3.254 tấn. So với cùng kỳ năm trước tăng 25,9%, tương đương 4.378 tấn.
Việt Nam nhập khẩu tiêu chủ yếu từ Campuchia, đạt 9.604 tấn, tăng 148,4%, Brazil đạt 5.292 tấn, tăng 7,6% và từ Indonesia đạt 3.950 tấn, giảm 37,6%.
Trong khi đó, Olam là doanh nghiệp nhập khẩu tiêu lớn nhất, chiếm 38,% thị phần và đạt 8.092 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là Trân Châu đạt 1.616 tấn và KSS đạt 1.176 tấn.
Indonesia là quốc gia cung cấp chủ yếu tiêu trắng cho Việt Nam đạt 3.031 tấn, chiếm 93,1% trên tổng lượng nhập khẩu tiêu trắng.
Cuối năm 2022, giá tiêu sẽ đi ngang thậm chí giảm
Theo VPA, có 5 yếu tố ảnh hưởng lên giá hạt tiêu trong nửa cuối năm:
Một là, nguồn cung từ Brazil đạt sản lượng tốt, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại theo chu kỳ hàng năm.
Hai là, căng thẳng chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, áp lực lên giá càng gia tăng.
Ba là, dù Sri Lanka đang bị vỡ nợ, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng Sri Lanka sẽ đẩy mạnh xuất khẩu tiêu kể cả lượng hàng tồn, và giá thành có thể cạnh tranh hơn các nước khác.
Bốn là, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách "Zero COVID" sẽ khiến nhu cầu chưa đạt mức như kỳ vọng, và giá khó tăng khi sức mua của Trung Quốc vẫn ở mức thấp, dù nhập khẩu của họ đã tăng trở lại trong tháng 6, nhưng đó có thể là lượng hàng có sẵn ở cửa khẩu.
Năm là, tình trạng tắc nghẽn cảng ở châu Âu là vấn đề chính dẫn đến sự trì hoãn các lịch trình vận tải. Thiếu chỗ và container vẫn còn căng thẳng, đặc biệt các nước xuất khẩu ở Đông Nam Á.
Theo VPA, kể từ năm 2020, EU thực hiện truy quét Ethylene oxide (ETO) trên khắp châu Âu. Trong sản phẩm gia vị, ETO được dùng để giảm khuẩn Salmonella.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, có 41 lô hàng liên quan đến ETO và Salmonella trong tổng số 42 trường hợp bị châu Âu cảnh báo.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đang ráo riết điều tra trên diện rộng các đợt bùng phát do thực phẩm nhiễm khuẩn Salmonella. Mặc dù chưa tìm thấy báo cáo nào về mặt hàng hạt tiêu liên quan đến Salmonella và ETO tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, thể coi đây là cảnh báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm và nông sản vào Hoa Kỳ trước khi nước này thực hiện những biện pháp cứng rắn hơn và quy mô hơn.