Áp lực thừa cung
Diện tích, năng suất, sản lượng cà phê thế giới tăng cao trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu chỉ tăng từ 2 - 2,5%/năm khiến cung vượt cầu. Tháng 4/2020 nguồn cung vẫn dồi dào nhưng do dịch Covid-19 bùng phát, các nước áp dụng biện pháp cách ly, các quan cà phê đóng của, nhu cầu tiêu thụ giảm kéo giá cà phê Robusta và Arabica thế giới giảm xuống mức thấp, gây áp lực lên giá cà phê trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo Trung tâm thông tin và thương mại - Bộ Công Thương (VITIC), ngày 6/5/2020, giá cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên phiên tăng trở lại 100 đồng, chốt ở 30.500 - 30.900 đồng/kg. Mức thấp nhất tại Lâm Đồng và cao nhất tại Đắk Lắk, các tỉnh còn lại ở mức 30.800 đồng/kg.
Tại cảng TP.HCM, cà phê xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt ở 1.280 USD/tấn (FOB), trừ lùi ở mức +80 USD/tấn. Dự báo, giá cà phê toàn cầu trong thời gian tới vẫn biến động theo xu hướng giảm.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, ước tính xuất khẩu cà phê tháng 4/2020 đạt 170 nghìn tấn, trị giá 280 triệu USD, ổn định về lượng, nhưng giảm 0,5% về trị giá so với tháng 3/2020; tăng 18,9% về lượng và tăng 15,4% về trị giá so với tháng 4/2019.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê đạt 659 nghìn tấn, trị giá 1,115 tỷ USD, tăng 4,5% về lượng và tăng 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xuất khẩu cà phê bình quân tháng 4/2020 ước đạt 1.647 USD/tấn, giảm 5% so với tháng 3/2020 và giảm 3% so với tháng 4/2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.692 USD/tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê tiếp tục xu hướng giảm, giao dịch tại thị trường nội địa vẫn chậm. Tháng 4/2020, giá cà phê trong nước giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Cụ thể, ngày 28/4/2020, giá cà phê giảm từ 0,3 - 1,0% so với ngày 18/4/2020 ở hầu hết các tỉnh/huyện khảo sát, nhưng ổn định tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. So với ngày 31/3/2020, giá cà phê cũng giảm từ 0,3 - 1,0% ở hầu hết các tỉnh/ huyện khảo sát, nhưng ổn định tại huyện Cư M’gar.
Tại cảng khu vực TP.HCM, cà phê Robusta loại R1 cùng giảm 1,0% so với ngày 18/4/2020 và so với ngày 31/3.
Covid-19 chồng thêm khó
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, sự lây lan của Covid-19 đã bổ sung một thách thức đáng kể cho ngành cà phê toàn cầu, vốn đã trải qua một thời gian dài của giá thấp. Dự kiến thị trường cà phê toàn cầu dư thừa 1,95 triệu bao (loại 60kg) trong niên vụ 2019/20, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trước đó đã dự báo thiếu hụt 474.000 tấn. Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 3,7% trong tháng 3 so với một năm trước xuống 11,06 triệu bao.
Hiện giá cà phê đã trải qua một xu hướng giảm liên tục kể từ năm 2016, giảm 30% dưới mức trung bình của 10 năm qua. Nhiều người trong số 25 triệu nông dân trên toàn thế giới, phần lớn là các hộ sản xuất nhỏ, đang chật vật trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong khi thu nhập nông nghiệp ngày càng giảm nhưng giá đầu vào tiếp tục tăng.
Thực tế cân đối bất lợi trên khiến người trồng không muốn đầu tư thêm vào các vườn cà phê, mà điều này có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự bền vững của ngành và nguồn cung cà phê trong tương lai.
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên thế giới, trong đó châu Âu là nơi chịu ảnh hưởng nằng nề nhất. Để giảm lây lan nhiều nước áp dụng biện pháp cách ly hoặc giãn cách, nên nhiều quan cà phê bị đóng cửa. Tuy nhiên, không đến quán được thì người tiêu dùng vẫn có thể uống cà phê tại nhà, vì vậy, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới không giảm, và kết quả xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm có tăng nhẹ.
“Trong tháng 5 hay tháng 6, nếu bỏ cách ly và các quán cà phê được mở cửa trở lại nhưng phải mất từ 2 hoặc 3 tháng mọi hoạt động mới trở lại bình thường. Như vậy dự báo xuất khẩu cà phê trong quý II/2020 sẽ vẫn duy trì ở mức của quý I, chỉ khi nào hoạt động của các quán cà phê trở lại bình thường thì nhu cầu sẽ tăng.
Tuy nhiên, do giá cà phê trong nước hiện đang ở mức thấp nhất so với 10 năm trước nên có nhiều vườn cà phê ở Tây Nguyên đã giảm mật độ cây trong vườn cà phê để trồng xen loại cây trồng khác dẫn đến số lượng cây cà phê/hecta giảm. Riêng tỉnh Đắk Lắk đã chuyển 100.000 hecta để trồng cây ăn quả”, ông Tự cho biết.