Harry Lee Armstrong là một người đàn ông trung niên người Mỹ sống tại Pennsylvania. Ông vừa mới để mất công việc của mình và sắp sửa “cháy túi”. Thế nhưng ông đã tìm ra cách để nhanh chóng kiếm được ít tiền. Đó là “bán huyết tương”.
Ông Armstrong chạy xe đến một trung tâm hiến tặng huyết tương ở trong thành phố, nơi huyết tương được thu thập đều đặn hàng ngày. Lọt thỏm giữa một phòng khám nha khoa với một quầy rượu, nơi này nhìn bề ngoài chẳng toát ra vẻ gì là chỗ người ta đang kinh doanh một trong những loại hàng hóa có giá trị cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nó lại là một phần của một doanh nghiệp thu về hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm từ những người đang lâm vào cảnh khó khăn như ông Armstrong.
Huyết tương: “Vàng lỏng” hay “Thần dược”
Trong 10 năm trở lại đây, nhu cầu huyết tương toàn cầu đã tăng mạnh đến nỗi lượng hiến tặng thu thập được tại nước Mỹ đã tăng hơn gấp đôi, theo số liệu của Hiệp hội Trị liệu Protein Huyết tương, tổ chức đại diện cho toàn ngành. Trong đó, Grifols đang là đơn vị dẫn đầu. Cổ phiếu của công ty này trong năm 2019 đã tăng đến 37%, cao gấp 4 lần Chỉ số IBEX của Tây Ban Nha.
Sau hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập trong hai thập niên qua, Grifols giờ đã điều hành hơn 220 cơ sở hiến tặng tại ít nhất 32 bang của Mỹ, chiếm một phần tư nguồn cung huyết tương từ Mỹ. Năm 2018, công ty công bố lợi nhuận ròng đạt 596,6 triệu euro (653 triệu USD). Hơn 3/4 tổng doanh thu 4,49 tỷ euro của công ty xuất phát từ bộ phận công nghệ sinh học, vốn điều hành các trung tâm hiến tặng ở Mỹ và biến đổi lượng huyết tương thu thập được thành dược phẩm để bán.
Ông Armstrong vừa kết thúc buổi hiến huyết tương, được trả 70 đô la Mỹ cho 1 ống nghiệm rưỡi máu của mình. Đối với những người đang thất nghiệp như ông, số tiền này vô cùng quý giá để giúp trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. “Chúng ta ai cũng có hóa đơn cần thanh toán cả, còn chuyện ăn chuyện uống nữa. Số tiền này sẽ giúp tôi giữ cho chiếc xe của mình tiếp tục lăn bánh,” người đàn ông này nói.
Huyết tương là một chất lỏng có trong máu, sở hữu vô vàn công dụng trong y học. Các loại thuốc chiết xuất từ huyết tương có thể chữa trị được các bệnh như là băng huyết và làm giảm tốc độ diễn biến của chứng mất trí nhớ Alzheimer. Do vậy, ngành thu thập huyết tương đang dần trở thành một lĩnh vực sinh lời lớn, thu hút ngày càng nhiều tập đoàn y dược tham gia. Giới y khoa cho rằng hiến huyết tương là một hành động an toàn, song vẫn còn tranh cãi về mức độ thường xuyên mà một con người bình thường nên làm điều này.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác là việc liệu các công ty có nên trả tiền cho những người đứng ra hiến huyết tương hay không. Hiện chỉ có Mỹ, Đức và Trung Quốc là những quốc gia lớn hợp pháp hóa loại giao dịch trên.
Grifols cùng một số công ty khác trong ngành đã xây dựng được vị thế “độc quyền nhóm” trên quy mô toàn cầu. Mô hình kinh doanh của họ rất đơn giản, đó chính là khiến công chúng nghĩ rằng bán huyết tương là một hành động hết sức bình thường. Người hiến tặng sẽ được trả tiền, còn sản phẩm tạo ra từ đó sẽ có thể cứu được mạng của rất nhiều bệnh nhân khác.
Lợi dụng người nghèo?
Tuy vậy, một số nghiên cứu phát hiện ra rằng các trung tâm thu thập huyết tương đang được phân bổ không đều, chủ yếu chỉ tập trung ở các khu vực có đông dân cư thu nhập thấp. Nhiều người đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích rằng bản chất của ngành này là làm giàu trên sự nghèo của người khác. Heather Olsen, một nhà nghiên cứu của Đại học Dự bị Case Western, khẳng định: “Mọi thứ đề có chủ đích cả. Chẳng có thứ gì mà lại tình cờ xảy ra trong cái lĩnh vực này hết”.
Nhiều người tham gia hiến tặng cũng biết được điều này. Nhưng phần đông số họ đang rất cần tiền.
Tại một trung tâm hiến huyết tương ở vùng ngoại ô Fairless Hills, phía bắc Philadelphia, hoạt động vẫn diễn ra bình thường dù là vào ngày Chủ nhật. Bên ngoài trung tâm thậm chí còn căng một tấm băng rôn mới, trên đó viết “hãy tham gia cộng đồng hiến tặng huyết tương của chúng tôi”. Đủ tầng lớp người lao động đến đó, từ một tài xế điều khiển xe nâng quay lại đây đều đặn mỗi tuần, cho đến cả một họa sĩ đã về hưu nhưng vẫn cố kiếm tiền để đóng cho Quỹ An sinh Xã hội.
Một người hiến huyết tương tên Hunter Tini chia sẻ anh thường đến trung tâm vào giờ nghỉ trưa, vừa bán máu vừa giết thời gian bằng cách nghe audio book. Tini hiện vẫn đang còn khoản nợ lên đến 80.000 USD từ thời sinh viên, do vậy bất kỳ nguồn tiền nào cũng sẽ có ích của nó, anh chia sẻ.
Trong khi đó, Emiliano Montero, 22 tuổi, vừa kiếm được một công việc mới với mức lương 11 đô la/giờ. Tuy nhiên, vì không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp từ chính phủ, thế nên anh đã quyết định đi hiến huyết tương để tăng thu nhập. Chàng trai trẻ này hiện đang phải sống trên chiếc Honda Civic của mình, đồng thời phải chăm sóc cho mấy đứa em nhỏ. Montero cho biết anh giấu bạn bè chuyện đi bán huyết tương. “Nó khiến tôi cảm thấy bị tổn thương danh dự một chút, song bạn phải làm thứ mà bạn phải làm thôi,” anh nói.
Grifols: Tập đoàn huyết tương 3,8 tỷ USD
Được thành lập vào năm 1940 tại Barcelona (Tây Ban Nha) bởi hai anh em Jose Antonio và Victor Grifols Lucas, Laboratorios Grifols bắt đầu phát triển công nghệ vacxin và truyền máu giữa lúc quê hương mình đang bị nội chiến giằng xé.
Đến năm 1950, Jose Antonio đã trở thành một người tiên phong trong kỹ thuật phân tách huyết tương. Ông phát hiện ra rằng nếu lọc được huyết tương, thứ mà chứa rất nhiều kháng thể và protein trong các hồng cầu và bạch cầu, ra khỏi máu rồi truyền lại máu vào trong cơ thể, con người có thể hiến huyết tương một cách thường xuyên hơn mà không có tác dụng phụ.
Ngày nay, Grifols đang là một trong ba công ty thống trị ngành huyết tương toàn cầu. Điều hành nó vẫn là gia tộc Grifols, với hai đồng CEO là Raimon Grifols Roura và Victor Grifols Deu, lần lượt là con và cháu ruột của nhà sáng lập Victor Grifols Lucas.
Gia tài nhà Grifols cũng được chia đều cho con cháu của Jose Antonio và Victor. Thành viên giàu nhất trong gia đình này tính thời điểm hiện tại là bà Nuria Roura Carreras, góa phụ của Victor, sở hữu số tài sản lên đến 900 triệu USD.
Nhà Grifols còn được biết đến là những người vô cùng nhiệt thành với quê hương mình. Vào năm 2017, khi cuộc khủng hoảng hiến pháp của xứ Catalan trở nên căng thẳng, ông Grifols Roura vẫn quyết tâm giữ nguyên trụ sở công ty mình ở Barcelona, mặc cho 6 tập đoàn lớn khác của Tây Ban Nha đã rời bỏ thành phố, lo ngại xứ Catalan sẽ đơn phương tuyên bố độc lập.
Grifols cũng đã gián tiếp thừa nhận sự lệ thuộc nguồn cung huyết tương của mình vào tầng lớp thu nhập thấp tại Mỹ. Trong báo cáo thường niên năm 2018, công ty đã đề cập đến một rủi ro mà hiếm khi thấy đối với một doanh nghiệp: đó là rủi ro người hiến tặng trở nên ít bị khó khăn về tài chính hơn. Cụ thể, báo cáo của Grifols viết:
“Sự cải thiện điều kiện đời sống kinh tế tại những khu vực có trung tâm thu thập huyết tương của chúng ta và nhà cung cấp có thể sẽ làm giảm đi động lực tài chính trong mắt những người hiến tặng tiềm năng.”
Tham khảo Bloomberg