Chính Phủ vừa có công văn 2832/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo kịch bản tăng trưởng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2018.
Theo đó, xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 1957/BNN-KH về báo cáo kịch bản tăng trưởng về Báo cáo kịch bản tăng trưởng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cơ bản nhất trí với báo cáo tại văn bản nêu trên.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương và cơ quan chức năng tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra; kiểm soát quá trình sản xuất, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, khắc phục tình trạng đầu tư phát triển sản xuất theo phong trào dẫn đến dư thừa nguồn cung gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân; tăng cường chế biến sâu, kiểm soát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước, giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống (đặc biệt là các thị trường lớn) gắn với việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.
Trong một diễn biến khác, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 3/2018, giá của nhiều mặt hàng trái cây diễn biến tăng do nhu cầu tăng trong khi thị trường rau một số tỉnh đặc biệt là khu vực phía Bắc lại giảm mạnh. Cụ thể, giá mít Thái tại một số tỉnh ĐBSCL tăng cao, đạt mức kỷ lục từ 40.000 - 50.000 đ/kg, tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, dưa hấu tại tỉnh Trà Vinh hiện đang vào vụ thu hoạch nhưng vẫn ở mức giá có lời là 7.400 đ/kg. Vú sữa Tại Tiền Giang cũng được bán với giá tốt dao động từ 18.000 - 20.000 đ/kg cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 đ/kg.
Tuy nhiên, thị trường rau củ tại Lâm Đồng và một số các tỉnh miền Bắc trong tháng 3/2018 diễn biến giảm: khoai tây hiện chỉ còn 10.000 - 11.000 đ/kg (loại 1), hành tây còn 3.000 đồng/kg (giảm 4 lần so với trước tết); cà rốt giảm đến 5.000 đ/kg, từ 25.900 xuống còn 20.900 đ/kg, bắp cải trắng từ 11.500 còn 9.500 đ/kg; giá củ cải và su hào tại một số tỉnh miền Bắc chỉ ở mức 1.000-1.200đ, cần sự "giải cứu".
Nguyên nhân chính vẫn là do nguồn cung gia tăng với điều kiện thời tiết thuận lợi trong khi nhu cầu vẫn không có đột biến. Nhìn lại quý 1/2018, thị trường trái cây và rau củ biến động tăng giảm thất thường bởi tính thời vụ cũng như sự tác động của nhu cầu tăng cao khi vào những dịp nghỉ lễ Tết.