Khi phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Nga khiến đồng Rúp lao dốc và thị trường chứng khoán ngừng giao dịch, giới nhà giàu nước này đang chuyển hướng sang đầu tư đồ trang sức, đồng hồ xa xỉ để "cứu" khoản tiền tiết kiệm của mình.
Theo Jean-Christophe Babin - CEO của Bulgari, doanh số bán hàng của các cửa hàng tại Nga đã tăng trong vài ngày qua, sau khi các lệnh trừng phạt được áp dụng gây ảnh hưởng lớn đến sự dịch chuyển của dòng tiền mặt ở nước này. Ông nói chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg: "Trong ngắn hạn, bối cảnh hiện tại có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh của chúng tôi và các loại trang sức của Bulgari là khoản đầu tư an toàn."
Jean-Christophe Babin - CEO của Bulgari.
Ông đề cập đến những hạn chế khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT: "Khó có thể nói rằng ngắn hạn là bao lâu, bởi thực sự khi các biện pháp trừng phạt nhắm đến hệ thống SWIFT được thực hiện một cách toàn diện, việc kinh doanh và cả xuất khẩu sang Nga sẽ gặp nhiều khó khăn hay thậm chí là không thể."
Ngay cả các thương hiệu tiêu dùng từ Apple cho đến Nike, hay những tập đoàn năng lượng khổng lồ BP, Shell và Exxon Mobil đều rút khỏi Nga. Song cho đến nay, những thương hiệu xa xỉ lớn nhất châu Âu vẫn nỗ lực tiếp tục hoạt động tại quốc gia này.
Ngoài Bulgari - thương hiệu được sở hữu bởi LVMH, Cartier vẫn bán đồ trang sức và đồng hồ tại Nga. Omega và Rolex cũng tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Ông Babin cho hay: "Chúng tôi ở đây vì người dân Nga chứ không phải vì lý do chính trị. Chúng tôi hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau, ngay cả trong những thời điểm căng thẳng và bất ổn."
Giống như vàng - đóng vai trò là tài sản lưu giữ giá trị và hàng rào chống lạm phát, đồng hồ và trang sức xa xỉ có thể được nắm giữ lâu dài, thậm chí còn tăng giá trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn do chiến tranh và xung đột. Những chiếc đồng hồ nổi tiếng có thể được bán lại trên thị trường thứ cấp với giá cao gấp 3 hay 4 lần giá bán lẻ. Tuy nhiên, tác động của tình trạng căng thẳng giữa Nga - Ukraine đối với các mặt hàng xa xỉ đang tạo ra một số vấn đề tiềm ẩn về truyền thông.
Luca Solca - nhà phân tích của Berstein, cho biết: "Đúng là các thương hiệu xã xỉ có thể quyết định rút khỏi thị trường Nga. Có thể, đây sẽ là cái giá phải trả đối với họ vì bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hình ảnh truyền thông tích cực mà họ xây dựng được ở những thị trường khác."
Theo một báo cáo công bố trong tuần này bởi Edouard Aubin và các nhà phân tích của Morgan Stanley, doanh số bán hàng ở Nga và cho người Nga ở nước ngoài chiếm chưa đến 2% tổng doanh thu của LVMH và Swatch Group, chưa đến 3% tại Richemont.
Nguyên nhân một phần là do sự chênh lệch về thu nhập và mức độ giàu có của người dân Nga. Một số tỷ phú, tài phiệt có lối sống xa hoa hơn nhiều so với những người bình thường. Mức lương trung bình hàng tháng ở Moscow là khoảng 113.000 Rúp (1.350 USD theo tỷ giá trước khi xung đột xảy ra) và thấp hơn nhiều ở các vùng nông thôn.
Trong bối cảnh căng thẳng hiện tại, áp lực đối với các thương hiệu lớn ngày càng gia tăng. Business of Fashion - tạp chí được LVMH hậu thuẫn, lại kêu gọi các nhà bán lẻ đóng cửa hàng ở Nga và không giao hàng trực tuyến. Song, cho đến nay, các thương hiệu lớn vẫn không đưa ra bất kỳ phản ứng nào về việc rời khỏi Nga. LVMH cho biết họ đang quyên góp 5 triệu euro cho Uỷ ban Chữ thập đỏ Quốc tế để hỗ trợ các nạn nhân của cuộc xung đột và đang giúp đỡ 150 nhân viên ở Ukraine.
Trong khi đó, Bulgari cho biết họ có thể sẽ tăng giá sản phẩm ở Nga. Ông Babin nói: "Nếu đồng Rúp mất 1 nửa giá trị, chúng tôi vẫn niêm yết giá bằng euro. Do đó, việc điều chỉnh giá sẽ được thực hiện ở thời điểm nào đó."
Dù ghi nhận doanh số tăng, nhưng các nhà sản xuất đồng hồ và trang sức xa xỉ có thể sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc chuyển hàng đến các cửa hàng tại Nga. Moscow đã đóng cửa không phận với EU và những công ty vận chuyển lớn nhất cũng tạm dừng các chuyến hàng đến Nga.
Tham khảo Bloomberg