"Trỗi dậy và tỏa sáng" là cụm từ nhóm chuyên gia phân tích của Ngân hàng HSBC dành cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Đây là một thị trường chứng khoán cận biên mà chúng tôi đã quan tâm và ưa thích trong một thời gian. Và chúng tôi không phải là những người duy nhất", nhóm chuyên gia này cho biết.
Trong báo cáo "Asia Frontier Insights - Việt Nam: Những con số đằng sau câu chuyện tăng trưởng", ba tác giả Devendra Joshi, Herald van der Linde, và Shashi Jaiswal đều đồng tình với quan điểm thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan và giá trị giao dịch gần ngang ngửa Singapore và hơn hẳn Malaysia và Indonesia.
Tháng 3/2021, 113.000 tài khoản giao dịch nội địa đã được mở mới - một con số kỷ lục, nâng tổng số tài khoản lên 3,02 triệu.
Theo ghi nhận, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng từ mức 596 triệu USD trong tháng Ba lên 725 triệu USD trong tháng Tư. Một năm trước, con số này chỉ là 130 triệu USD, chuyên gia từ HSBC cho biết.
Chỉ số VN-Index tăng 12,4% từ đầu năm đến nay, vượt qua tất cả các chỉ số chính trong khu vực và lần đầu tiên đã vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200, mức chưa từng được phá vỡ kể cả trong các thời điểm tăng giá của thị trường trước đó vào năm 2007 và 2018.
Chỉ số VN-Index của Việt Nam trong 15 năm qua. Nguồn: HSBC.
Thị trường sẽ tăng trưởng mạnh trở lại
Việc kiểm soát hiệu quả COVID-19 dẫn tới sự phục hồi mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế và thanh khoản trong nước đã tiếp sức đà tăng, vốn đang được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư cá nhân mới. Trong khi điều này làm tăng rủi ro biến động, nhóm chuyên gia của HSBC nhận định không thấy rủi ro điều chỉnh lớn - với lãi suất huy động giảm và giá vàng chịu áp lực, không có nhiều lựa chọn thay thế cho khối lượng thanh khoản này.
HSBC nhận định triển vọng đối với thị trường chứng khoán rất sáng sủa - sự phục hồi kinh tế được xác nhận bởi kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong quý 1/2021.
Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó mà làm ngơ Việt Nam lâu hơn nữa
"Chỉ là vấn đề thời gian. Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó mà làm ngơ Việt Nam lâu hơn nữa", nhóm chuyên gia nhận định.
Vì sao vậy?
Một là, Việt Nam mang lại cơ hội cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận (risk-reward) thuận lợi tại một trong những nền kinh tế tăng trưởng bền bỉ nhất.
Hai là, thị trường ngày càng có thanh khoản cao hơn.
Ba là, giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOLs) – vốn là một vấn đề đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhưng HSBC cho rằng đó không phải là yếu tố ngăn cản các giao dịch. Trong số 30 công ty lớn trong danh mục VN30 Index, có 24 công ty còn room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bốn là, cổ phiếu đã kín room ngoại có thể được mua bằng cách trả chênh lệch giá (paying a foreign premium). Khi những cổ phiếu này đã tạo được tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhưng giao dịch ở mức định giá rẻ hơn so với các công ty khác ở châu Á, mức chênh lệch giá trở nên không quá lớn.
Hơn nữa, các cải cách chính sách đang được tiến hành, mặc dù chậm, nhưng tích cực đối với thị trường.
Năm là, giá cổ phiếu hấp dẫn.
Theo khảo sát của HSBC, trong vòng 12 tháng trở lại đây, chỉ số VN-Index của Việt Nam đã tăng 63,8%. Trong đó, các nhóm doanh nghiệp có vốn hóa thị trường tăng mạnh nhất thuộc các ngành Vật liệu xây dựng (143,7%), Tài chính (83,8%), Công nghệ Thông tin (85,6%), Hàng tiêu dùng (71,7%) và Bất động sản (63,3%).