Nhà sáng lập Lei Jun của Xiaomi cuối cùng cũng đã được tận hưởng thành quả khi nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đã đạt giá trị thị trường vượt ngưỡng 100 tỷ USD – con số mà công ty đã không thể đạt được kể từ khi niêm yết 2 năm trước.
Cổ phiếu công ty đã tăng 9,1% vào ngày thứ 4 đánh dấu là cổ phiếu thứ 13 trong chỉ số Hang Seng có giá trị thị trường vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu Xiaomi cao hơn 7,6% với giá trị thị trường đạt 103 tỷ USD.
Xiaomi – công ty tạo ra phần lớn doanh thu từ mảng bán điện thoại ban đầu nhắm tới giá trị 100 tỷ USD khi IPO vào tháng 5/2018. Tuy nhiên, giá trị của họ chỉ đạt quanh 50 tỷ USD và cổ phiếu thậm chí từng giao dịch thấp hơn mức giá bán hồi IPO.
Tháng 8 này đánh dấu sự trở lại của Xiaomi sau khi họ tuyên bố sẽ được thêm vào chỉ số Hang Seng. Cổ phiếu đã tăng gấp đôi giá trị kể từ đó. Doanh thu tốt trong ngày hội mua sắm Double 12 ở Trung Quốc cũng đã giúp cổ phiếu của họ tăng 20% trong riêng tháng này.
Tháng 11, công ty báo cáo tốc độ tăng trường doanh thu quý nhanh nhất trong 2 năm khi đạt kết quả kinh doanh đánh bại mọi dự đoán của chuyên gia phân tích. Đây vẫn là một trong những công ty công nghệ Trung Quốc lớn chứng kiến tốc độ tăng trưởng ổn định ở nước ngoài trong khi vẫn hưởng lợi từ sự tiếp cận công nghệ 5G và giành được thị phần trong nước từ đối thủ Huawei.
Trước đó, nguồn tin của tờ Nikkei cho hay Xiaomi đang đàm phán với các nhà cung cấp về việc tăng cường đặt thêm linh kiện phục vụ mục tiêu sản xuất 240 triệu điện thoại thông minh. Con số này này vượt xa sản lượng đầu ra trong năm nay của Xiaomi và sẽ vượt cả lượng iPhone trung bình hàng năm của Apple được bàn giao. Điều đó cho thấy tham vọng khổng lồ của "hạt gạo nhỏ" Xiaomi khi muốn vượt Huawei – đối tượng đang chịu tổn thất nặng nề do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Để làm được điều đó, dĩ nhiên Xiaomi sẽ rất cần thêm nguồn tài chính mới để mở rộng năng lực sản xuất. Chính vì vậy vào thứ 4, công ty này đã chào bán thêm cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hong Kong và huy động được 3,06 tỷ USD. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch cổ phiếu của họ đã bị tạm ngưng cùng ngày mà chưa rõ lý do.
Trên thực tế, Xiaomi nói với một vài nhà cung cấp rằng họ đặt ra mục tiêu nội bộ cao hơn là bàn giao 300 triệu điện thoại thông minh trong năm tới – nhưng mục tiêu này dường như khó đạt được. Qualcomm và MediaTek – những nhà cung cấp chủ chốt chip cho Xiaomi, Oppo, Vivo và Samsung không thể nào cung ứng được sản lượng như vậy cho 1 công ty duy nhất ở vào thời điểm toàn chuỗi cung ứng công nghệ đang đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng như thế này.
"Xiaomi đang thiết lập một mục tiêu khó khăn hơn cho các nhà cung ứng khi mà họ hy vọng mở rộng được thị phần trước khi các đối thủ đuổi kịp. Bên cạnh đó, họ cũng muốn đảm bảo có nhiều linh kiện hơn đề phòng bất kỳ sự gián đoạn nào từ chuỗi cung ứng hiện tại dẫn tới việc thiếu linh kiện", một chuyên gia phân tích nhận định.