Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), tính trong 7 tháng đầu năm 2019, trong khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ thì kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản giảm tới 8,2%. Tuy nhiên xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm lại đạt giá trị lớn, ước đạt 2,31 tỷ USD.
Trong tháng 7/2019, cả nước xuất khẩu 651 nghìn tấn gạo, đem về 285 triệu USD. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu gạo đạt 4,01 triệu tấn và 1,73 tỷ USD, tăng 2,1% về khối lượng nhưng giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 7/2019 đạt 134 nghìn tấn với giá trị đạt 53 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu mặt hàng này 7 tháng lên 1,33 triệu tấn tương ứng với 515 triệu USD, giảm 16,1% về khối lượng và giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, trong thời gian tới, nguồn cung sắn và sản phẩm từ sắn trở nên khan hiếm hơn. Thực tế, các nhà máy sản xuất tinh bột đã kết thúc mùa vụ 2018 – 2019, ngừng hoạt động để bảo trì máy móc chờ đón vụ mới.
Sản lượng sắn tại Tây Nguyên có thể không đạt như dự kiến do thời tiết nắng nóng kéo dài cộng thêm dịch khảm lá lan rộng khiến năng suất giảm mạnh. Hạn hán và dịch bệnh đe dọa cũng làm giảm năng suất sắn của Thái Lan trong niên vụ 2019 – 2020.
Mặt khác, do hạn chế nhập khẩu sắn lát từ đầu năm 2019 nên lượng sắn lát còn tồn kho tại Trung Quốc giảm, thêm vào đó, nguồn cung nhập khẩu cồn từ Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao (thuế 45%). Dự đoán trong thời gian tới, xuất khẩu sắn lát sẽ khởi sắc trở lại.
Xuất khẩu rau quả tháng 7/2019 ước đạt 269 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,31 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 71,94% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này tăng 1,05% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Mỹ chiếm 3,37%; Hàn Quốc chiếm 3,14%, Nhật Bản chiếm 2,91%... trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả.
Ông Nguyễn Quốc Toản cho hay, sắp tới, khi EVFTA và Hiệp định CPTPP có hiệu lực và ký kết một số hiệp định khác trong tương lai dự kiến sẽ mang lại những lợi thế nhất định, tạo cơ sở cho Việt Nam đẩy mạnh ngành rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp cần tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU và 10 thị trường khối CPTPP đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất...
Trong tháng 7/2019, xuất khẩu cà phê đạt 157 nghìn tấn với giá trị đạt 253 triệu USD. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu cà phê đạt 1,08 triệu tấn và 1,82 tỷ USD, giảm 8,2% về khối lượng và giảm 19,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,7% và 9,4%.
Xuất khẩu tiêu tháng 7/2019 ước đạt 24 nghìn tấn, với giá trị đạt 62 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu tiêu 7 tháng lên 201 nghìn tấn và 514 triệu USD, tăng 32,5% về khối lượng nhưng giảm 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá tiêu xuất khẩu bình quân giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của tiêu Việt Nam, chiếm 17,1% tổng kim ngạch mặt hàng này. Mặc dù giá tiêu xuất khẩu đang trong xu hướng giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Đức vẫn tăng 7,9% nhờ khối lượng xuất khẩu tăng tới 45,1%, góp phần nâng thị phần của thị trường này tăng từ 4,2% lên 4,6%.
Trong tháng 7/2019, xuất khẩu điều nhân đạt 39 nghìn tấn với giá trị 294 triệu USD, đưa kết quả 7 tháng đạt 235 nghìn tấn và 1,8 tỷ USD, tăng 13,3% về khối lượng nhưng giảm 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 32,3%, 14,9% và 9,5% tổng giá trị. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt 7.612 USD/tấn, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nhóm nông sản, chỉ có cao su và chè là tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu. Tháng 7/2019, các nước xuất khẩu 168 nghìn tấn cao su, thu về 235 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu cao su 7 tháng đạt 782 nghìn tấn và 1,08 tỷ USD, tăng 10,7% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 62,2%, 8,8% và 3,5%. Tuy vậy, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.370 USD/tấn, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Đối với sản phẩm chè, xuất khẩu tháng 7/2019 đạt 11 nghìn tấn, đem về 23 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu mặt hàng này 7 tháng lên 68 nghìn tấn và 122 triệu USD, giảm 0,4% về khối lượng nhưng tăng 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.731 USD/tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường chính của chè Việt Nam tiếp tục là Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc, Nga và Indonesia, với thị phần của 5 quốc gia này đạt 73,3% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, xuất khẩu có sự biến động không đồng nhất giữa các thị trường. Trong khi xuất khẩu sang Pakistan, Đài Loan tăng mạnh thì xuất khẩu sang Nga và Indonesia lại giảm cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý là tại thị trường Trung Quốc, mặc dù lượng chè của Việt Nam sang thị trường này giảm đến 41,3%, nhưng giá trị lại tăng tới 45,5% so với cùng kỳ năm trước.