Trong khi tỷ giá trên kênh ngân hàng thương mại vẫn ổn định, tỷ giá thị trường “chợ đen” lại có xu hướng giảm sâu, hiện phổ biến bán ra dưới mốc 23.700 đồng/USD.
Trong phiên sáng nay (20/4), tỷ giá USD/VND được một số điểm thu đổi ngoại tệ khu vực Hà Nội chấp nhận mua vào với giá 23.630 đồng và bán ra ở mức 23.680 đồng/USD, giảm 10 đồng so với cuối ngày hôm qua. Nếu so với một tuần trước, giá USD trên thị trường tự do đã giảm tới 100 đồng giá mua và 150 đồng giá bán.
Đây là mức giảm sâu nhất của tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do từ đầu tháng 3 đến nay.
Cũng trong sáng nay, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam và USD được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.182 đồng/USD, giảm tiếp 8 đồng so với cùng giờ ngày hôm qua. Trước đó, tỷ giá trung tâm do cơ quan quản lý tiền tệ niêm yết đã giảm trong 5 phiên liên tiếp từ mức 23.217 đồng/USD vào đầu tuần trước.
Như vậy, trong khoảng 1 tuần gần đây, tỷ giá trung tâm tại NHNN đã giảm 35 đồng.
Trong khi tỷ giá “chợ đen” giảm mạnh thì tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại hầu như không biến động. Vietcombank sáng nay niêm yết tỷ giá mua – bán USD ở mức 22.960 – 23.170 đồng/USD, tăng 5 đồng so với hôm qua và 10 đồng so với cuối tuần trước.
Tỷ giá USD/VND qua kênh ngân hàng vẫn duy trì mặt bằng ổn định. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tương tự, tỷ giá tại Eximbank hôm nay vẫn giữ nguyên ở mức 22.970 đồng/USD (mua) và bán ra 23.160 đồng/USD (bán) so với cuối tuần trước.
Ghi nhận trong báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần 12-16/4, các chuyên gia tại SSI Research cho biết tỷ giá trung tâm USD/VND giảm sâu có nguyên nhân từ đà suy yếu của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Cụ thể, tuần qua, Mỹ công bố số liệu lạm phát tháng 3 là 0,6% so với tháng trước, cao hơn so với kỳ vọng là 0,5%. Cùng với đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng phát đi tín hiệu về việc giữ lãi suất điều hành thấp 0-0,25% đến năm 2023. Điều này đã khiến lo ngại lạm phát tạm lắng xuống.
Trong khi đó, đồng USD tiếp tục đà giảm, số USD-Index giảm về mức thấp nhất 3 tuần ở 91,6 điểm; lợi suất trái phiếu Mỹ cũng giảm 7-8 điểm % ở các kỳ hạn 10-30 năm.
Bên cạnh sự suy yếu của đồng USD, cung cầu ngoại tệ trong nước cũng đang trong trạng thái thuận lợi khiến tỷ giá không căng thẳng.
Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 1,2 tỷ USD trong tháng. Tính chung quý I/2021, cán cân thương mại thặng dư 2,75 tỷ USD, chỉ thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Điều này khiến tỷ giá trung tâm giảm về mức thấp nhất 1 tháng và khiến tỷ giá trên thị trường tự do giảm sâu, mất mốc 23.700 đồng/USD.
Cuối tuần qua, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ sau cáo buộc hồi tháng 12/2020. Theo SSI Research, dù vẫn nằm trong danh sách 11 nền kinh tế bị giám sát nhưng rủi ro Việt Nam bị Mỹ trừng phạt đã bị đẩy lùi, áp lực với tỷ giá cũng giảm đi.
Trong bối cảnh thuận lợi trên, tỷ giá USD/VND niêm yết được dự báo tiếp tục ổn định, trong khi tỷ giá tự do có thể giảm thêm.
Các chuyên gia tại VCBS cũng cho rằng thị trường ngoại hối và tỷ giá đang có những diễn biến thuận lợi nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Trong đó, các yếu tố giúp nguồn cung ngoại tệ trong nước cao bao gồm xu hướng nới lỏng chính sách tiền của các ngân hàng trung ương trên thế giới; tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam giúp thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dự trữ ngoại hối vững chắc.
Các chuyên gia tại đây kỳ vọng tỷ giá USD/VND tiếp tục giao dịch trong trạng thái tích cực và dao động trong khoảng +/- 0,5% năm nay.
(Theo Zing)