Trên thế giới, chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 105,72 (6h30 giờ Việt Nam), tăng nhẹ 0,2 so với phiên giao dịch cùng thời điểm ngày hôm qua (105,52).
Đồng USD bật tăng mạnh trong giao dịch vừa qua, có thời điểm đã vượt mốc 106 trong bối cảnh lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tăng vọt. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng 5,5 điểm cơ bản (bps) ở mức 4,304%.
Thống đốc Fed Michele Bowman tuyên bố hôm thứ Ba rằng chính sách tiền tệ sẽ duy trì ổn định trong “một thời gian” và nói thêm rằng việc tăng lãi suất là cần thiết “nếu lạm phát tiến triển chậm lại hoặc thậm chí đảo ngược”.
Trọng tâm trong tuần này sẽ tập trung vào thước đo lạm phát ưa thích của Fed, PCE tháng 5, dự kiến sẽ giảm từ 2,7% xuống 2,6% YoY, trong khi PCE cốt lõi được dự đoán ở mức 2,6% YoY, giảm từ 2,8%.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump ngày hôm nay 27/6 sẽ bước vào cuộc tranh luận đầu tiên trong số hai cuộc tranh luận trước ngày bầu cử vào tháng 11.
Theo CME FedWatch Tool, tỷ lệ Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9 là 56,3%, giảm so với mức 59,5% vào thứ Ba tuần trước.
Trong rổ 6 đồng tiền chủ chốt thì đồng USD đã đạt mức cao nhất so với đồng yên Nhật trong gần 38 năm và các nhà đầu tư suy đoán rất cao rằng chính quyền Nhật Bản có thể can thiệp để củng cố đồng tiền của nước này. Cụ thể, đồng bạc xanh đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/1986 so với đồng yên Nhật, và chốt phiên giao dịch tăng 0,7%, đạt mức 160,697 yên. Đồng EUR cũng tăng giá so với đồng yên, đạt mức 171,79, mức cao nhất kể từ tháng 9/1992. Đồng tiền chung châu Âu vừa chốt phiên giao dịch tăng 0,3% so với đồng yên Nhật Bản, ở mức 171,625.
Đồng yên đã bị ảnh hưởng khi các nhà đầu tư đổ xô vào đồng USD, để tận dụng lãi suất của Mỹ ở mức 5,25% - 5,5%. Con số này cao hơn nhiều so với lãi suất của Nhật Bản, vốn đã được điều chỉnh tăng trong năm nay từ 0 lên mức 0,1%.
Eugene Epstein, người đứng đầu cơ cấu khu vực Bắc Mỹ tại Moneycorp ở New Jersey, cho biết: “Thị trường dường như đang đặt mối quan tâm lớn vào chính sách của BOJ (Ngân hàng Nhật Bản).
Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.258 đồng/USD, giữ nguyên mức giao dịch so với ngày trước đó.
Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng tăng nhẹ, như Vietcombank báo giá USD mua vào ở mức 25.250 đồng, bán ra tại 25.470 đồng, tăng 5 đồng mỗi USD so với hôm qua. Các ngân hàng khác như VietinBank, BIDV, Eximbank, Sacombank... cũng niêm yết mức giá tương tự. Đây cũng là cột mốc cao nhất kể từ sau đà giảm trước 3/6.
Nếu so với mức đỉnh quanh vùng 25.500 đồng hồi giữa tháng 4, giá USD trong ngân hàng hiện đã hạ nhiệt nhiều và duy trì ổn định trong những ngày qua.
Tuy nhiên mức giá niêm yết tại các NHTM này vẫn còn đang ở dưới mức tỷ giá tự do một khoảng cách tương đối xa tận 490 đồng ở chiều bán ra., trên thị trường tự do, hiện đang báo giá USD mua vào ở mức 25.880 đồng và bán ra tới 25.960 đồng - bỏ xa vùng đỉnh cũ trên 25.800 đồng lập hồi tháng 4.
Theo báo cáo mới nhất, SSI Research nhận định : áp lực về tỷ giá tăng dần theo xu hướng quốc tế và tỷ giá USD/VND liên ngân hàng quay trở lại mức bán tại SBV, giao dịch ở VND 25.450 đồng, tương đương với mức tăng 0,2% trong tuần qua.
Tương tự, tỷ giá niêm yết tại các NHTM đều tăng lên mức trần biên độ hay trên thị trường tự do tăng vượt vùng đỉnh lịch sử. NHNN đã phải tiếp tục bán USD từ dự trữ ngoại hối nhằm cung cấp thanh khoản ngoại tệ cho thị trường.
Trước tình hình đồng USD tự do "nổi loạn", Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng phát hành tín phiếu. Ngày 25/6 chứng kiến diễn biến đáng chú ý khi lượng tín phiếu trúng thầu tăng vọt lên 25.000 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023, đồng thời lãi suất trúng thầu cũng được nâng lên 4,3%/năm từ mức 4,25% trong phiên trước đó.
Được biết, NHNN đã có sự điều chỉnh trong hoạt động phát hành tín phiếu khi giảm kỳ hạn tín phiếu xuống còn 14 ngày, sau thời gian dài chào bán tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày. Nâng lãi suất tín phiếu từ 4,25% lên 4,3% và lên 4,5% (tại phiên ngày 26/6).
Giới phân tích cho rằng, động thái can thiệp của NHNN nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất kỳ hạn qua đêm tại phiên ngày 25/6 đã giảm từ 3,54% xuống 3,45% so với phiên giao dịch trước đó, tương ứng giảm 0,09 điểm %.
Tại các kỳ hạn khác đang biến động không đồng nhất, chẳng hạn như: tại kỳ hạn 1 tuần tăng từ 4,07% lên 4,13%; kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,51% lên 4,54% và kỳ hạn 3 tháng cũng tăng từ 4,85% lên 5,05%.