Trên thế giới, chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện đang ở mức 104,82 (6h15 giờ Việt Nam), giảm 0,1% so với phiên giao dịch cùng thời điểm ngày hôm qua (104,96).
Đồng USD tiếp tục suy yếu vào phiên giao dịch vừa qua khi dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố ngày 3/7 thấp hơn dự kiến, bao gồm báo cáo dịch vụ yếu kém và báo cáo việc làm. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại.
Cụ thể, bảng lương tư nhân đã tăng 150.000 việc làm trong tháng 6, sau khi tăng 157.000 trong tháng 5. Bên cạnh đó, chỉ số PMI dịch vụ ISM tháng 6 giảm mạnh xuống 48,8, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020 và là mức giảm nhanh nhất trong bốn năm, báo hiệu tình trạng suy thoái.
Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ ngày 4/7.
Jane Foley, người đứng đầu chiến lược ngoại hối tại Rabobank cho biết: “Dữ liệu trên đã thúc đẩy kỳ vọng rằng có thể thị trường lao động đang suy yếu và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay”.
Theo Công cụ FedWatch của CME, khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9 là 66%, tăng so với mức 63% vào thứ Ba.
Trong báo cáo mới nhất của VMBA, USD tăng trong phần lớn thời gian của tháng 6 so với các đồng tiền chính như EUR và GBP khi Fed giảm dự báo cắt lãi suất từ 3 lần 0,25 điểm % xuống chỉ còn 1 lần trong năm 2024.
Báo cáo việc làm phi nông nghiệp mạnh mẽ là yếu tố khiến Fed đẩy lùi kỳ vọng hạ lãi suất. Ngoài ra, EUR cũng chịu tác động tiêu cực do những bất ổn về chính trị tại châu Âu khi sự ủng hộ các đảng Cực Hữu tăng vọt trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu khiến tổng thống Pháp kêu gọi bầu cử sớm.
Tại châu Á, JPY sụt giảm so với USD trong suốt tháng 6 khi chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ-Nhật vẫn lớn và BOJ duy trì sự cẩn trọng trong quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ. Các chi tiết về kế hoạch cắt giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng của BOJ sẽ được công bố vào cuộc họp tháng 7, nếu mức giảm không đáng kể thì nhiều khả năng đồng Yên sẽ tiếp tục chịu áp lực mất giá so với USD.
Tỷ giá trung tâm VND/USD hôm nay được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố điều chỉnh mức 24.251 VND/USD, giảm 7 đồng so với phiên giao liền kề. Với biên độ +/-5% tỷ giá trần và sàn mà các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 23.039 – 25.463 VND/USD.
Vietcombank đang niêm yết giá mua-bán USD tại 25.243 - 25.463 VND/USD. 3 ông lớn còn lại trong nhóm Big4 cũng niêm yết giá mua tương tự.
Khảo sát thêm 1 số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, tại Eximbank đang niêm yết chiều mua ở 25.260 VND/USD và chiều bán ở mức 25.463 VND/USD. Hay tại Sacombank đang niêm yết giá mua "nhỉnh" hơn chút, tại mức 25.266 VND/USD nhưng chiều bán thì cũng ở mức kịch trần 25.463 VND/USD.
Trên thị trường tự do, đồng USD được giao dịch ở mức 25.750 - 25.830 VND/USD. Giá mua và bán giảm tới 80 đồng so với ngày hôm qua. Giá USD tự do hiện vẫn cao hơn ngân hàng khoảng 367 - 507 đồng.
Trong báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II, Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB nhận định VNĐ có thể phục hồi trong nửa cuối năm do áp lực bên ngoài từ đồng USD giảm trước đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Fed vào tháng 9.
Cùng với đó, tiền đồng có thể được hưởng lợi từ sự phục hồi tiếp theo của nhân dân tệ (CNY) trong nửa cuối năm do nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu ổn định rõ ràng hơn.UOB dự báo tỷ giá USD/VNĐ sẽ đạt mức 25.200 VNĐ/USD trong quý III và 25.000 VNĐ/USD trong quý IV/2024, sau đó giảm dần trong hai quý đầu năm 2025 về 24.600 VNĐ/USD.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất kỳ hạn qua đêm tại phiên ngày 3/7 giảm từ 4,76% xuống 4,45%, tương ứng giảm 0,31 điểm % so với phiên trước đó.
Tại các kỳ hạn khác đang biến động không đồng nhất, chẳng hạn như: tại kỳ hạn 1 tuần giảm từ 4,86% xuống 4,58%; kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,63% lên 4,69% và kỳ hạn 3 tháng lại giảm từ 5,63% xuống 5,24%.