Cụ thể, theo cập nhật của Dân Việt, tỷ giá USD tại Vietcombank tăng mạnh 122 đồng chiều mua và tăng 92 đồng chiều bán. Sau điều chỉnh, giá USD hôm nay tại Vietcombank mua vào (tiền mặt) và bán ra lần lượt là 25.100 đồng/USD và 25.440 đồng/USD – mức cao kỷ lục.
Tương tự, để mua 1 USD tại BIDV, cần 25.440 đồng, tuy nhiên giá USD mua vào (tiền mặt) cao hơn 30 đồng/USD so với giá niêm yết tại Vietcombank
Tại Vietinbank giá USD mua vào/bán ra lần lượt là 25.108 đồng/USD và 25.443 đồng/USD. Đây cũng là mức giá bán USD cao nhất tại khối ngân hàng nhà nước.
Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, giá USD hôm nay tại Eximbank được niêm yết ở mức 25.080 đồng và 25.440 đồng/USD. Tại các ngân hàng khác, giá USD hôm nay bán ra phổ biến quanh mức 25.440 đồng/USD.
Như vậy, so với đầu năm giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại đã tăng hơn 1.000 đồng/USD, tương ứng mức tăng khoảng 4,2% . Mức tăng này cao hơn cả mức tăng của năm 2022 - năm nền kinh tế đối mặt với cú sốc tỷ giá .
Tại chợ đen, tình trạng "nóng, sốt" của tỷ giá cũng không "kém cạnh". Cụ thể, giá USD hôm nay tại chợ đen tiếp tục điều chỉnh tăng 50 đồng chiều mua và 70 đồng chiều bán, lên mức 25.520 đồng/USD và 25.670 đồng/USD.
Trong khi đó, tỷ giá tham khảo giữa đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước hiện tại chỉ ở mức 25.392 đồng/USD.
Tỷ giá tăng trong bối cảnh chỉ số USD Index (DXY) vượt mốc 106 sau khi Iran mở cuộc tấn công vào Israel bằng máy bay không người lái và tên lửa.
Tại họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4/2024, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhận định, cần phải xác định rằng việc tỷ giá biến động là hết sức bình thường. Chính sách tỷ giá không thể đứng yên được, bởi không phụ thuộc hoàn toàn vào một nền kinh tế mà là diễn biến chung của kinh tế khu vực và thế giới.
"Bản thân chỉ số USD Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 3%. Do vậy, chưa tính đến các yếu tố khác, áp lực dẫn đến USD tăng so với VND trước tiên đến từ chính bản thân đồng USD," ông Hùng khẳng định.
Bên cạnh đó, đại diện của ADB cũng lý giải, biến động tỷ giá vừa qua liên quan đến yếu tố lịch sử, mùa vụ của thị trường Việt Nam. Thông thường vào quý đầu năm cầu ngoại tệ cũng sẽ tăng, là hệ quả do kết thúc năm tài chính và những nhu cầu như đầu tư, cất trữ ngoại tệ của người dân.
Các chuyên viên phân tích từ Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ ưu tiên duy trì tín phiếu để tác động vào tỷ giá . Tuy nhiên nếu, các áp lực bên ngoài tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong kịch bản dầu Brent vượt 93 USD/thùng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 4,7%, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải can thiệp bằng việc bán kỳ hạn hoặc bán thẳng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng thừa nhận, sắp tới, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng can thiệp bằng cách dùng nhiều nguồn lực khác nhau trong đó có việc sử dụng dự trữ ngoại hối.
Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này, như việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước để tăng lãi suất liên ngân hàng, qua đó giảm lãi suất USD, VND, qua đó giảm áp lực tỷ giá tương đối đáng kể.
"Tỷ giá mặc dù còn chịu áp lực lớn trước khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm lãi suất nhưng sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý II/2024, với mức tăng khoảng 2,5-3% trong năm 2024", ông Lực nói.
Trước đó, thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, vấn đề tỷ giá đang hết sức nóng và Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái can thiệp thị trường nếu cần thiết.