Việc đi lại của tàu thuyền trong Kênh đào Suez bị tắc nghẽn đã ba ngày nay vì một tàu container bị mắc cạn. Ngày 23/3, tại phía nam kênh đào Suez, tàu container Ever Given mang cờ Panama đã bị mắc cạn, chặn đường di chuyển của hơn 150 tàu thuyền. Con tàu di chuyển theo hành trình từ Trung Quốc đến cảng Rotterdam của Hà Lan, chuyên chở hàng hóa và dầu với trị giá 10 tỷ đô la".
Vào ngày 25/3, ban quản lý kênh đào Suez thông báo rằng hoạt động hàng hải trên kênh đào Suez ở Ai Cập sẽ chỉ nối lại sau khi đưa được còn tàu mắc cạn lên.
Tàu container Ever Given có chiều dài 400 m, sức chở khoảng 224 nghìn tấn, tàu đang thực hiện lộ trình từ Trung Quốc đến Rotterdam của Hà Lan, mắc cạn ở km thứ 151 của kênh đào Suez, gây tắc nghẽn và cản trở giao thông trên kênh. Hậu quả là hàng chục con tàu buộc phải xếp hàng chờ đến lượt ở các cửa luồng phía bắc và nam.
Theo các chuyên gia, việc kênh đào bị tắc nghẽn trong thời gian dài sẽ làm gián đoạn chuỗi thương mại, cũng như khiến giá dầu tăng từ 10% trở lên.
Chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu đã tăng lên gần 8.000 USD, gần gấp bốn lần so với một năm trước. Lợi nhuận từ các tàu chở dầu cỡ cực đại (VLCC) chuyên vận tải dầu từ Trung Đông đến Trung Quốc đã tăng lên 1.371 USD một ngày, mặc dù sự cố tắc nghẽn Kênh đào Suez không hề ảnh hưởng tới tuyến đường này. Các tàu Suezmax, thường chở một triệu thùng dầu, hiện có giá vận chuyển khoảng 17.000 USD/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 6/2020.
"Vì thực tế là kênh đào có thể vẫn bị chặn trong vài tuần, các chủ hàng hiện đang đánh giá khả năng chuyển hướng tàu cho đi quanh châu Phi. Đây không phải là một quyết định dễ dàng. Tuyến đường đi qua Mũi Hảo vọng sẽ tăng thêm 9,65 nghìn km và riêng chi phí nguyên liệu đã là khoảng 300 nghìn đô la cho một tàu chở dầu từ Trung Đông đến châu Âu", - hãng tin Bloomberg cho biết.
Vị trí tàu container Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez. Ảnh: Reuters.
Nguồn tin từ nhà điều hành kênh Gulf Agency Company (GAC) cho Sputnik biết, lúc này, hoạt động cứu hộ vẫn đang tiếp tục. "Tám tàu kéo đang tham gia hoạt động để cứu tàu container Ever Given ở Kênh đào Suez đang bị mắc cạn. Tính đến 10h địa phương (15h giờ Hà Nội) ngày 26/3, tình hình vẫn chưa có gì thay đổi - tàu vẫn mắc cạn, công việc di dời tàu ra khỏi vùng cạn và kéo tàu vẫn đang tiếp tục", nguồn tin từ Gulf Agency Company nói với Sputnik.
Kênh đào Suez có chiều dài 163 km nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ và là tuyến đường thủy nhân tạo lớn nhất thế giới, với khoảng 10-12% lưu lượng vận tải đường biển thế giới.
Công ty Nhật Bản Shohei Kisen, nơi quản lý con tàu Ever Given mới bị mắc cạn đứng chắn trong kênh đào Suez làm giao thông bị tắc nghẽn ở cả hai hướng, đã xin lỗi về sự cố này. "Chúng tôi thành thật xin lỗi vì đã gây ra sự xáo động nghiêm trọng cho các tàu có kế hoạch đi lại trong khu vực, cũng như tất cả những ai liên quan đến việc điều hành giao thông trên kênh đào Suez", - thông báo viết.
Ngoài ra, công ty khẳng định không xảy ra tình trạng rò rỉ sản phẩm dầu, cũng không có thuyền viên nào bị thương.
Mặc dù tình hình kết sức khó khăn nhưng công ty đang cố gắng làm hết sức mình để đưa con tàu thoát khỏi nơi mắc cạn, thông cáo cho biết.