PV: Trong thời gian qua, giá vàng thế giới và trong nước có nhiều biến động. Nhiều người lấy giá vàng thế giới so sánh với giá vàng SJC mà không phải là giá vàng của các thương hiệu khác trong nước và thấy có sự chênh lệch giá quá cao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC: Thứ nhất, không phải giá vàng nói chung tại thị trường Việt Nam chênh lệch quá nhiều so với thị trường thế giới, mà chỉ riêng vàng miếng SJC mới có tình trạng đó;
Thứ hai, việc này cũng là điều bình thường, dễ hiểu, đúng với quy luật cung cầu thị trường, từ khi nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng thì loại vàng miếng này chỉ được đúc một lần duy nhất vào năm 2013, mà không được tiếp tục sản xuất thêm, do đó trở thành mặt hàng khan hiếm;
Thứ ba, không có doanh nghiệp nào được đặc ân hưởng lợi từ việc giá vàng loại này đắt hơn hẳn so với các loại vàng khác, vì nó thuộc sở hữu Nhà nước chứ không phải thuộc sở hữu của bất kỳ ai khác;
Thứ tư, điều quan trọng nhất là giá vàng loại này cao, nhưng gần như không có ảnh hưởng gì xấu đến nhu cầu trang sức và nền kinh tế, mà chỉ ảnh hưởng đến yếu tố tâm lý, đơn giản là người dân muốn sở hữu loại vàng này, khi mua vào phải trả giá cao thì khi bán ra lại được thu về với giá cao.
Trước đây, Chính phủ từng đặt ra mục tiêu chống "vàng hóa" trong nền kinh tế thông qua việc ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng. Theo ông, đến nay mục tiêu đó đã được thực hiện như thế nào?
Mục tiêu chống "vàng hoá" đã rất thành công sau khi thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP sau 10 năm. Cùng với việc chống vàng hoá, đô la hoá, là việc giữ được sự ổn định của giá trị đồng tiền Việt Nam, ổn định nền kinh tế vĩ mô, đã làm cho giới kinh doanh vàng, nhất là các "đầu lậu" hiếm có cơ hội đầu cơ trục lợi, đặc biệt là người dân giảm hẳn sự tích cóp, để dành găm giữ, dự trữ vàng. Làm cho người dân tín nhiệm đồng tiền Việt Nam, bỏ ham, giảm say nguồn vốn vàng và ngoại tệ thì đồng nghĩa với việc nguồn vốn được chuyển thẳng vào đầu tư kinh doanh cho nền kinh tế một cách trực tiếp và có hiệu quả hơn.
Với gần 20 trang sách mà tôi đã viết trong cuốn "Cẩm nang pháp luật ngân hàng", do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn anh, tôi thấy rằng, suốt từ năm 1946 đến nay, trải qua một thời kỳ kinh tế hành chính bao cấp và hai thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, nhưng chưa bao giờ Nhà nước buông việc quản lý vàng. Thậm chí có những giai đoạn như năm 1955, cấm việc mua bán vàng (trừ có giấy phép) và cấm thanh toán bằng vàng. Rồi pháp luật đã từng quy định, năm 1958 cá nhân có 5 chỉ vàng trở lên và năm 1978, có từ 1 chỉ vàng trở lên đều phải kê khai và được cấp Giấy chứng nhận.
Hiện nay, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2006 đang cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Luật Đầu tư năm 2020 đang quy định, vàng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Riêng Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì vẫn cho phép việc góp vốn bằng vàng để khuyến khích đầu tư, kinh doanh.
Theo ông, việc kiểm soát thị trường vàng như hiện nay mang lại những lợi ích gì cho nền kinh tế?
Vàng vẫn là loại tài sản rất có giá trị trong dự trữ và sử dụng cho sức cũng như một số lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, nó không hề có tính thiết yếu phổ biến và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như rất nhiều loại nguyên liệu, vật tư, hàng hoá khác.
Khi nền kinh tế tôn sùng vàng, cái gì cũng quy đổi ra vàng, thanh toán mua bán nhà đất, xe cộ, thậm chí nhiều mặt hàng thông dụng khác bằng vàng, thay thế vị trí độc tôn của đồng tiền pháp định, thì đồng tiền quốc gia rất dễ bị suy yếu, không còn vai trò, địa vị vốn dĩ cần phải có. Giá trị của đồng tiền pháp định bị coi nhẹ, không được tôn trọng, thì rất dễ dẫn đến nguy cơ tác hại khôn lường cho nền kinh tế, xã hội và cuộc sống của người dân. Bài học xương máu này chúng ta đã trải qua và không thể nào quên.
Khác với đặc điểm của nhiều nước và cũng khác mọi loại tài sản, hàng hoá, vàng luôn là "đối thủ" đáng gờm của Việt Nam đồng, vẫn còn là mối quan tâm lớn và còn ăn sâu vào tâm trí của người Việt Nam. Chưa thấy cái lợi gì đáng kể và đáng phải đánh đổi khi chấp nhận thả cửa cho vàng được trở lại giao dịch tự do, thoải mái tung hoành trên thị trường.
Có thể vẫn cần phải rà soát, xem xét lại các nội dung cụ thể của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, nhưng tuyệt nhiên không vì cần phải chứng minh đó là yếu tố đòi hỏi cần thiết và có lợi của nền kinh tế thị trường.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!