Mua bán vàng tại Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu, phố Hoàng Cầu, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Chốt phiên cuối tuần 26/11, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,6 - 67,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,6 - 67,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, các doanh nghiệp trong nước duy trì niêm yết giá vàng quanh ngưỡng 67,5 triệu đồng/lượng trong sáng giao dịch đầu tuần 21/11. Sang sáng 22/11, giá vàng trong nước được điều chỉnh giảm nhẹ, trong khi giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần.
Đến sáng 23/11, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước có xu hướng ổn định giá vàng tương đồng thị trường vàng thế giới do đồng USD giảm trong khi thị trường chứng khoán tăng điểm.
Sau đó, cùng với xu hướng tăng của giá vàng thế giới trước dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ nâng lãi suất, giá vàng trong nước sáng 24/11 tăng; và chỉ dao động nhẹ trong phiên giao dịch sáng 25/11.
Với diễn biến này, giá vàng trong nước cả tuần chỉ tăng nhẹ 20 nghìn đồng/lượng, cùng chiều với giá vàng thế giới cũng tăng trong tuần qua.
Giới quan sát cho rằng sang tuần tới, tình hình dịch COVID-19 ngày càng tồi tệ ở Trung Quốc cùng các lệnh kiểm soát, phong tỏa nghiêm ngặt của nước này có thể tạo một số nhu cầu trú ẩn an toàn và hỗ trợ giá vàng. Trung Quốc – thị trường tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới - hôm thứ 6 đã báo cáo số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục mới, trong khi các thành phố trên cả nước tiếp tục thực thi các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh bùng phát.
Ông Bart Melek, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa tại công ty môi giới tài chính TD Securities cho biết về mặt kỹ thuật, giá vàng đã không thể vượt qua các mức kháng cự. Vì vậy, giá vàng có khả năng đang tìm kiếm mức hỗ trợ thấp hơn một chút là gần với mức 1.730 USD/ounce.
Ngoài Trung Quốc, các nhà giao dịch giờ đang chờ đợi một loạt số liệu vĩ mô quan trọng của kinh tế Mỹ vào tuần tới để xác định thêm động lực.
Theo lịch, Chính phủ Mỹ sẽ công bố báo cáo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sơ bộ cho quý III/2022 vào thứ 4. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Fed – sẽ được công bố vào thứ 5. Số liệu lạm phát này cùng với bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có ảnh hưởng đến động lực của đồng USD trong thời gian ngắn, cũng như cung cấp một số định hướng mới cho giá vàng.
Trong trường hợp không có bất kỳ số liệu kinh tế quan trọng nào ảnh hưởng lớn đến thị trường, các nhà giao dịch cũng có thể hạn chế đặt cược mạnh vào vàng khi khối lượng giao dịch kim loại quý này đã thấp hơn như ghi nhận vào cuối tuần.