Thoát khỏi mức thấp vào đầu tuần, giá vàng hôm nay trên thế giới kết thúc tuần ở 2.359 USD/ounce, mức gần cao nhất trong 2 tuần. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 được giao dịch lần cuối ở mức 2.375,40 USD/ounce, tăng gần 3% so với mức đóng cửa ngày thứ Sáu tuần trước.
Đài Al Jazeera ngày 10/ 5 đưa tin giao tranh ác liệt đang diễn ra trên thực địa ở Rafah, miền nam Gaza khi các chiến binh Hamas bắn tên lửa, súng cối và kích nổ các thiết bị nổ vào quân đội và xe tăng của Israel khi đội quân này tiến sâu hơn vào thành phố. Theo đài này, ước tính có khoảng 80.000 người Palestine đã chạy trốn khỏi Rafah và hàng nghìn người khác đang cố gắng rời đi sau cuộc tấn công của Israel. Sau thông tin trên, giá vàng trên thế giới bật tăng mạnh mẽ.
Thêm vào đó, báo cáo kinh tế mới nhất về hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp và tâm lý tiêu dùng của Mỹ cho thấy lạm phát gia tăng trở lại, khiến kỳ vọng Fed cắt lãi suất giảm đi. Tuy nhiên khi nền kinh tế trở nên bất ổn, vàng càng củng cố vị trí vững chắc về sự an toàn.
Cuộc khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy các chuyên gia trong ngành đang thể hiện sự lạc quan mới về kim loại quý, trong khi chỉ một nửa số nhà giao dịch bán lẻ tin rằng giá vàng có thể tăng giá vào tuần tới.
Adam Button, người đứng đầu chiến lược tiền tệ tại Forexlive.com, lo ngại về nhu cầu của châu Á khi lượng mua vàng trong tháng của Trung Quốc giảm đi, tuy nhiên ông cho rằng xu hướng tăng vẫn sẽ được duy trì.
Colin Cieszynski, Giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, cho biết ông rất lạc quan về giá vàng trong tuần tới. Nếu CPI của Mỹ tăng nóng, vàng sẽ tăng do được coi là công cụ phòng ngừa lạm phát. Tuy nhiên nếu CPI của Mỹ giảm, hoạt động đầu cơ cắt giảm lãi suất có thể gia tăng và làm giảm giá đồng Đô la Mỹ, điều này lại cũng có thể tốt cho giá vàng.
Trong khi vàng thế giới tăng mạnh, vàng SJC cũng tăng không ngừng. Vàng miếng SJC liên tục tăng từ 89,5 triệu đồng/lượng, chạm mốc 92 triệu đồng/lượng lúc 12h trưa qua 10/5, sau đó đóng cửa ở mức 92,4 triệu đồng/lượng, tăng gần 3 triệu đồng/lượng trong ngày.
Tại thời điểm khảo sát sáng nay, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết ở mức 90,1 triệu đồng/ lượng mua vào và 92,4 triệu đồng/ lượng bán ra, chênh lệch mua bán vẫn giữ ở mức 2,3 triệu đồng/lượng. Tăng 2,9 triệu đồng/lượng so với mở phiên sáng qua.
Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng không kém cạnh khi điều chỉnh tăng tới 1,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán và 2,1 triệu đồng ở chiều mua, đưa giá vàng SJC niêm yết neo ở mức 88,8 – 91,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 89,5 – 92 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 2,3 triệu đồng/lượng chiều mua và tăng 2,7 triệu đồng/lượng chiều bán so với mở phiên. Chênh lệch mua – bán ở mức 2,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn DOJI lại niêm yết giá vàng SJC ở mức thấp hơn: 90,1 – 91,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 2,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với mở phiên hôm qua.
Giá vàng nhẫn hôm qua cũng tăng mạnh tới hơn 1 triệu đồng/lượng so với phiên trước. Cụ thể, nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 75,43 – 76,93 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 1,41 triệu đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,5 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 75,95 – 77,45 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 2 triệu đồng/lượng chiều mua và tăng mạnh 1,9 triệu đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước Chênh lệch mua – bán ở mức 1,5 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, thị trường vàng trong nước hiện nay đang mất cân đối cung cầu do NHNN một thời gian dài không tung vàng miếng ra thị trường một cách chính thức, trong khi đó người dân lại có nhu cầu tích trữ cao. Từ đó, tạo ra sự chênh lệch giá ngày càng cao.
Hoạt động đấu thầu vàng thay vì kéo giá vàng xuống, thì vàng lại lên cao chưa từng có do giá đấu thầu lại ngang bằng với giá thị trường. Nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN cần xem lại việc đấu thầu theo hướng tăng cung nhưng giá phải thấp hơn giá thị trường đang mua bán. Bên cạnh đó, cần thiết phải tăng tự do hóa thị trường vàng, có thể là tự do hóa mua vào nguyên liệu để chế tác vàng trang sức hoặc có thể sản xuất các thương hiệu vàng khác để tăng sức cạnh tranh.