Giá vàng hôm nay tăng 0,8% lên mức 2.309 USD/ounce, phục hồi sau cú lao dốc mạnh nhất trong vòng 3 năm rưỡi.
Phillip Streible, giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, cho biết đợt bán tháo vào thứ Sáu đã khiến vàng trở nên hấp dẫn với những nhà đầu cơ để bắt đáy, điều này đã khiến vàng phục hồi mạnh trong đầu tuần này.
Vàng đã mất khoảng 83 USD/ounce, tương đương 3,5% vào thứ Sáu tuần vừa qua, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2020 sau khi báo cáo việc làm của Mỹ làm giảm hy vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9, bên cạnh đó là thông tin ngân hàng trung ương Trung Quốc ngừng thu mua vàng. Carsten Menke, nhà phân tích tại Julius Baer, cho biết, lực mua của Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng ba điểm rưỡi cơ bản lên 4,47%. Trong khi đó, chỉ số của Đô la Mỹ so với sáu loại tiền tệ khác, tăng 0,23% lên 105,17.
Sự phục hồi tạm thời của vàng diễn ra bất chấp sự gia tăng của đồng đô la và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, với trọng tâm của thị trường chuyển sang việc công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ vào thứ Tư, cùng ngày với quyết định chính sách của Fed.
Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ dự kiến sẽ không thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với lãi suất chính sách của mình trong tuần này, nhưng trọng tâm sẽ là các dự báo kinh tế cập nhật của các nhà hoạch định chính sách và cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày.
Báo cáo CPI sắp tới của Mỹ trong tháng 5 dự kiến sẽ cho thấy lạm phát tiêu đề ở mức 3,4% YoY, trong khi CPI lõi được dự đoán sẽ giảm từ 3,6% xuống 3,5% YoY.
Giá vàng đang củng cố trên 2.300 USD, nếu mốc này bị phá, điểm dừng tiếp theo sẽ là mức thấp nhất trong ngày 3/5 là 2.277 USD, tiếp theo là mức cao nhất ngày 21/3 là 2.222 USD, sau đó là 2.200 đô la.
Mặt khác, nếu người mua vàng đẩy giá lên trên 2.350 USD, vàng sẽ tìm kiếm sự tích lũy trong khu vực 2.350 - 2.380 USD.
Giá vàng trong nước những ngày qua duy trì ổn định ở mức 76,98 triệu đồng/lượng sau chuỗi ngày "lao dốc" bởi quyết định bán vàng cho 4 ngân hàng là BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank và Công ty SJC của Ngân hàng Nhà nước nhằm rút ngắn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC niêm yết ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra, đứng yên so với trước giờ mở phiên sáng qua.
Trong khi đó DOJI niêm yết ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra.
Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng Mi Hồng thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 76,00 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 75,50 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 75,80 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Thị trường đang hồi hộp chờ đợi Ngân hàng Nhà nước công bố giá bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và công ty SJC trong sáng nay.
Trong khi vàng miếng vẫn bất động, vàng nhẫn tiếp tục giảm sâu, lùi về mốc 74 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 73,38 - 74,68 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 140.000 đồng/lượng so với hôm qua. Giá vàng nhẫn của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) 72,6 - 74,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra trong khi giá vàng nhẫn của Tập đoàn DOJI niêm yết 73,45 - 74,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn hiện chỉ còn thấp hơn vàng miếng SJC chưa tới 3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch thu hẹp trong bối cảnh giá vàng miếng SJC lao dốc nhanh trong tuần qua khi mất tới gần 4 triệu đồng/lượng.