Giá vàng hôm nay trên thế giới ghi nhận giảm mạnh khi thị trường chờ đợi một tuần với nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ. Tại thời điểm khảo sát lúc 8h sáng nay 14/5 , giá vàng thế giới đang giao dịch quanh mốc 2.335 USD/ounce, giảm 30 USD/ounce so với cùng thời điểm sáng qua.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu vào hôm nay thứ Ba, sau khi công bố báo cáo chỉ số giá sản xuất PPI mới nhất. Chỉ số giá tiêu dùng CPI dự kiến sẽ được công bố vào thứ Tư. Hiện PPI được dự báo tăng 0,3% so với tháng trước, trong khi CPI đang được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống 3,4%, giảm 0,1% so với tháng trước và thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang thực hiện một số đợt cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Sau báo cáo việc làm kém khả quan của Mỹ trong tháng 4 và báo cáo việc làm yếu vào tuần trước, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay đã tăng lên. Thị trường kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng vào tháng 9.
Trong những tháng gần đây, giá vàng đã liên tục tăng mạnh do thị trường đầu tư vào thị trường gia tăng, hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương được duy trì và nhu cầu ngày càng tăng từ châu Á. Ngoài ra, căng thẳng ngày càng tồi tệ ở Trung Đông tiếp tục thúc đẩy sức hấp dẫn của tài sản trú ẩn an toàn. Hôm Chủ nhật, Israel đã triển khai xe tăng vào miền đông Jabalia ở phía bắc Dải Gaza sau một đêm oanh tạc dữ dội trên không và trên mặt đất.
Về mặt kỹ thuật, giá vàng kỳ hạn tháng 6 vẫn có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn vững chắc. Mục tiêu tăng giá tiếp theo của phe Bò là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự vững chắc ở mức 2.400 USD. Mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo của phe Gấu là mức hỗ trợ kỹ thuật 2.300 USD. Mức kháng cự đầu tiên là $2.350 và sau đó là $2.370. Hỗ trợ đầu tiên là $2.337,6 và sau đó là $2.325.
Trong nước, giá vàng miếng SJC tiếp tục giảm mạnh so với phiên trước. Cụ thể, giá vàng miếng SJC trên thị trường đứng quanh mức 87,3 – 90 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm mạnh 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 2,7 đồng/lượng.
Tương tự, tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), nhà vàng này cũng điều chỉnh giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua – bán, đưa giá niêm yết xuống còn 87,5 – 90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Bảo tín Minh Châu điều chỉnh giảm mạnh giá vàng SJC tới 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với cùng thời điểm sáng qua. Giá niêm yết thời điểm này là 87 – 89 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Ngược lại, tại DOJI, doanh nghiệp này lại điều chỉnh tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán so với hôm qua, niêm yết giá vàng SJC ở mức 87,5 – 89 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch mua bán ở mức 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn hôm qua cũng giảm mạnh so với phiên trước. Cụ thể, nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 74,88 – 76,38 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm mạnh 550.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,5 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 74,95 – 76,45 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 1 triệu đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước Chênh lệch mua – bán ở mức 1,5 triệu đồng/lượng.
Chiều qua 13/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo, phiên đấu thầu vàng miếng tiếp theo sẽ được tổ chức vào lúc 9h30 sáng nay, tại Cục Dự trữ và Quản lý ngoại hối. Khối lượng vàng miếng SJC dự kiến đấu thầu vẫn giữ nguyên là 16.800 lượng.
Giá tham chiếu để tính giá đặt cọc đã được nâng lên là 88 triệu đồng/lượng. Mức giá tham chiếu này cao hơn 2,7 triệu đồng so với giá tham chiếu của phiên đấu thầu gần nhất diễn ra sáng 8/5.
Sau nhiều lần tổ chức đấu thầu vàng miếng , tăng cung ra thị trường, giá vàng không những không giảm mà còn liên tục ghi nhận chuỗi tăng phi mã. Nhiều chuyên gia cho rằng, để ổn định thị trường vàng hiệu quả, NHNN cần xem lại việc đấu thầu theo hướng tăng cung nhưng giá phải thấp hơn giá thị trường đang mua bán. Bên cạnh đó, cần thiết phải tăng tự do hóa thị trường vàng, có thể là tự do hóa mua vào nguyên liệu để chế tác vàng trang sức hoặc có thể sản xuất các thương hiệu vàng khác để tăng sức cạnh tranh.
Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng hôm qua, nhiều đại biểu cũng dành sư quan tâm đặc biệt tới thị trường vàng trong nước . Các đại biểu cho rằng, phải quản lý chặt chẽ thị trường vàng hơn nữa và cần có “bàn tay” của Nhà nước can thiệp vào thị trường.