Giá vàng hôm nay trên thế giới ghi nhận ổn định quanh mốc 2.367 USD/ounce. Vàng vẫn ở trong khoảng giá kỷ lục bất chấp hy vọng Fed cắt giảm lãi suất ngày càng giảm đi. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell trong bài phát biểu vào chiều thứ Ba cho biết, lạm phát ở Mỹ vẫn tiếp diễn và cho rằng sẽ phải duy trì lãi suất thêm một thời gian nữa. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng sau bình luận của Powell. Quan điểm diều hâu của Powell là yếu tố kìm hãm giá vàng . Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị leo thang đang lấn át các nguyên tắc cơ bản về kinh tế.
Nhu cầu tích trữ vàng và bạc đều gia tăng, bất chấp lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, chỉ số đô la Mỹ tăng và Cục Dự trữ Liên bang có khuynh hướng diều hâu.
Trong một tin tức khác, nhà môi giới SP Angel đưa tin, các ngân hàng trung ương đang mua khoảng 25% sản lượng vàng hàng năm - mức cao nhất kể từ đầu những năm 1970 khi hiệp định Bretton Woods được làm sáng tỏ. Nhu cầu đầu tư vàng vẫn đang tiếp tục tăng ở Trung Quốc.
Theo báo cáo mới nhất từ Ray Jia, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Quốc tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong khi mức giá cao nhất mọi thời đại gần đây của vàng làm giảm nhu cầu trang sức, thì các nhà đầu tư Trung Quốc lại đây là mức giá hấp dẫn để mua vào. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng tiếp tục mua vàng vào tháng 3, đây cũng là đợt mua hàng tháng thứ 17 liên tiếp. Dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng 5 tấn trong tháng 3, nâng tổng số lên 2.262 tấn. Hiện tại, vàng chiếm 4,6% tổng dự trữ ngoại hối, mức tăng đáng chú ý so với những tháng trước trong bối cảnh giá vàng tăng vọt. Trong ba tháng đầu năm 2024, PBoC đã báo cáo lượng mua vàng là 27 tấn. Dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng 314 tấn kể từ tháng 11/2022.
Caroline Bain, Chuyên gia kinh tế hàng hóa trưởng tại Capital Economics, cho biết trong một báo cáo công bố hôm thứ Sáu tuần trước rằng, mặc dù bà lạc quan về giá vàng trong năm nay, nhưng giá vàng đã vượt xa kỳ vọng. Bà dự đoán giá sẽ quay trở lại mức bình thường vào cuối năm nay. Bà lý giải vàng tăng do nhu cầu tích trữ gia tăng của Trung Quốc, nguyên nhân bắt nguồn từ việc các hình thức đầu tư ở nước này tỏ ra kém hấp dẫn. Cuối năm nay, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc ổn định, giá vàng sẽ hạ nhiệt và ổn định trở lại. Bain duy trì mục tiêu giá vàng cuối năm là 2.100 USD/ounce.
Trái ngược với quan điểm này, theo Aakash Doshi, Giám đốc Nghiên cứu Hàng hóa của Citi Bắc Mỹ, vàng sẽ tăng lên mức giá 3.000 USD/ounce vàng vào năm 2025. Doshi cho biết hoạt động mua vào mạnh mẽ của ngân hàng trung ương trong hai năm qua đã tác động đến thị trường. Câu chuyện về nhu cầu tiền pháp định thay thế cũng đang thu hút sự chú ý và càng thúc đẩy giá vàng hơn nữa.
Ông nói: “Nếu nhìn vào gánh nặng nợ toàn cầu, nợ công và tư nhân tồn đọng, kể từ đại dịch từ năm 2020 đến năm 2023, con số đó đã tăng 20% đến 25% lên 315 nghìn tỷ USD. Nếu xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ, điều mà thị trường hiện không định giá được, thì đó cũng có thể là động lực thúc đẩy vàng hướng tới mức 3.000 USD/ounce trong vòng 6 đến 12 tháng tới.
Chỉ số đồng đô la Mỹ giảm nhẹ sau khi chạm mức cao nhất trong 5,5 tháng vào thứ Ba. Giá dầu thô Nymex yếu hơn và giao dịch quanh mức 84,50 USD/thùng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn hiện đang ở mức khoảng 4,6%.
Giá vàng trong nước tiếp tục biến động khó đoán khi quay đầu liên tục. Sau ngày điều chỉnh giảm nhẹ, giá vàng các thương hiệu lại quay đầu tăng mạnh lên quanh 84 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đang niêm yết ở mức 82,1 triệu đồng/lượng mua vào và 84,1 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 400.000 đồng ở cả 2 chiều.
Bảo Tín Minh Châu đang mua vào bán ra lần lượt là 82,1 triệu đồng/lượng và 83,95 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng chiều mua và 350.000 đồng chiều bán. Phú Quý SJC đang thu mua vàng miếng với giá 82 triệu đồng/lượng và bán ra 84 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng ở cả 2 chiều.
PNJ đang niêm yết ở mức 82,1 triệu đồng/lượng mua vào và 84,1 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 400.000 đồng cả giá mua và giá bán.
Trong khi đó, DOJI đã điều chỉnh tăng giá vàng miếng SJC thêm 300.000 đồng chiều mua và 200.000 đồng chiều bán lên lần lượt 82 triệu đồng/lượng mua vào và 84 triệu đồng/lượng bán ra.
Đối với vàng nhẫn, vàng nhẫn được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết nguyên giá so với rạng sáng qua, ở mức 74,7 – 76,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Mức chênh lệch 2 chiều là 1,9 triệu đồng/lượng.
Còn tại Bảo tín Minh Châu, vàng nhẫn niêm yết ở mức 75,17 – 76,87 triệu đồng lượng, tăng 160.000 đồng/lượng chiều mua vào, giảm 160.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng nhẫn hôm nay ở DOJI ghi nhận dao động quanh mốc 75 triệu đồng/lượng mua vào và 77,15 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, giá mua và giá bán vàng thương hiệu PNJ niêm yết ở mức 74,8 triệu đồng/lượng và 76,7 triệu đồng/lượng 2 chiều.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia phân tích, trên thế giới, Việt Nam là quốc gia duy nhất mà ngân hàng trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng.
Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, nhưng giá cả lại chênh lệch rất lớn. Về điều này, chuyên gia cho rằng hết sức “phi lý”. “Chúng ta nên trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp để họ kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.
Theo ông Nghĩa, muốn xóa bỏ sự chênh lệch phi lý này giữa giá vàng trong nước với thế giới, chúng ta cần các biện pháp thương mại chứ không phải biện pháp tiền tệ như là đấu giá vàng miếng. Đơn giản nhất là cho phép các công ty kinh doanh vàng đủ điều kiện xuất nhập khẩu để họ tự xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức.