Giá vàng hôm nay trên trên thế giới đã nới rộng đà tăng lên 2.450 USD/ounce, trước khi giảm xuống 2.425 USD vào 8h sáng nay (giờ Hà Nội), đạt kỷ lục mới, nhờ sự lạc quan ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Vàng được tiếp thêm động lực trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị được dự đoán có thể leo thang sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng. Cùng lúc đó, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đã hoãn chuyến đi tới Nhật Bản vì sức khỏe của Vua Salman.
Tuần trước, dữ liệu cho thấy dấu hiệu lạm phát tiêu dùng ở Mỹ và doanh số bán lẻ chững lại, khiến Fed mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Các thị trường hiện đang đặt cược rằng đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 9. Tỷ lệ cược rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9 là 76%. Các nhà đầu tư cho rằng sẽ có 2 lần cắt giảm vào cuối năm, điều này sẽ khiến lãi suất quỹ của Fed ở mức 4,75% -5,00%.
Các nhà đầu tư sẽ nhận được nhiều tín hiệu hơn từ một số quan chức Fed sẽ phát biểu trong tuần này. Ngoài ra, hoạt động mua vào mạnh mẽ của ngân hàng trung ương, đặc biệt là từ Trung Quốc, nhằm tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, càng hỗ trợ thêm cho giá vàng .
Giá vàng đã giảm sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại mới là 2.450 USD, điều này có thể mở ra cánh cửa cho mức tăng hơn nữa. Nếu XAU / USD phá vỡ mức cao nhất mọi thời đại, điểm dừng tiếp theo sẽ là 2.475 USD, tiếp theo là mốc 2.500 USD. Ngược lại, nếu XAU / USD rút lui dưới 2.400 USD, vàng có thể về 2.332 USD, tiếp theo là mức thấp nhất ngày 8/5 là 2.303 đô la. Khi các mức đó bị vượt qua, vàng sẽ có thể về mức 2.284 USD.
Trước giờ mở phiên sáng nay 21/5 , giá vàng trong nước được các nhà vàng điều chỉnh tăng đồng loạt, đẩy giá vàng miếng lên mức 91 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), đơn vị này đã tăng 1,3 triệu – 600.000 đồng/lượng chiều (mua – bán) so với cùng thời điểm hôm qua. Giá niêm yết hiện tại là 89 – 91 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tập đoàn DOJI tăng 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào, tăng 700.000 đồng/lượng chiều bán ra. Giá niêm yết ở mức 89 – 90,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào, 500.000 đồng/lượng chiều bán ra, niêm yết vàng miếng ở mức 88,7 – 90,7 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra).
Còn tại Bảo tín Minh Châu, nhà vàng này cũng điều chỉnh tăng 1,25 triệu đồng/lượng mua vào, 650.000 đồng/lượng chiều bán ra. Niêm yết giá ở mức 89,1 – 90,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Với vàng nhẫn , Công ty SJC tăng 150.000 – 250.000 đồng/lượng (mua – bán), nâng giá lên mức 75,75 – 77,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
DOJI điều chỉnh tăng 450.000/lượng chiều mua, 400.000 đồng/lượng chiều bán. Giá niêm yết ở mức 76,25 – 77,8 triệu đồng/lượng.
Bảo tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng 410.000 đồng chiều mua, tăng 510.000 đồng/lượng chiều bán, đưa giá niêm yết lên mức 76,13 – 77,63 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đấu thầu vàng miếng lần thứ 8. Khối lượng đấu thầu tối thiểu và tối đa không thay đổi so với phiên ngày 16/5 lần lượt là 500 lượng và 4.000 lượng. Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu trong phiên hôm nay vẫn là 16.800 lượng. Tuy nhiên, đối với giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc, NHNN đã đưa ra mức giá 88,6 triệu đồng/lượng, tăng 1,1 triệu đồng so với mức 87,5 triệu đồng/lượng ở phiên gần nhất nhưng thấp hơn giá mua vào của thị trường 400.000 đồng/lượng.
Trong tuần này, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21 và 23/5.