Đầu ngày 25-9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại mức 1.750 USD/ounce, ghi nhận một phiên tăng 5 USD/ounce.
Trước đó, giá vàng SJC tại Việt Nam ngày 24-9 bất động ở 57,05 triệu đồng/lượng. Như thế, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 8,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay của thế giới biến động không nhiều trong bối cảnh đồng USD tăng giá so với nhiều ngoại tệ khác, nhà đầu tư chuyên lướt sóng chớp thời cơ thu về lợi nhuận.
Thực tế cho thấy sau khi giá vàng "bốc hơi" gần 30 USD/ounce trong 2 phiên giao dịch trước, không ít nhà đầu tư chuyên lướt sóng vàng đã nhảy vào thị trường để "đánh lên" (mua vào giá thấp, chờ giá đi lên sẽ bán ra thu về lợi nhuận).
Thế nên khi giá vàng thế giới giao dịch trong vùng 1.745-1.750 USD/ounce, họ đã tăng sức mua. Giá vàng vọt tăng 13 USD/oucne, từ 1.745 USD/ounce lên 1.758 USD/ounce lúc 18 giờ ngày 24-9
Thế nhưng, do "sức khỏe" của đồng USD hồi phục sau khi suy yếu trong 2 ngày trước nên nhiều người nhận thấy giá vàng đang đối mặt áp lực đi xuống.
Ngay sau đó, các nhà đầu tư đã "đánh lên" nhanh tay bán vàng thu về lợi nhuận. Còn những nhà đầu tư chuyên "đánh xuống" thì chớp thời cơ bán khống, chờ giá vàng đi xuống sẽ mua vào hưởng chênh lệch. Lập tức, giá vàng thế giới từ 1.758 USD/ounce rơi xuống vùng 1.745 USD/ounce lúc 22 giờ ngày 24-9.
Sau đó, những người đã bán khống bắt đầu mua vào thu về lợi nhuận. Đến đầu ngày 25-9, Giá vàng hôm nay giành lại 5 USD/ounce rồi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.750 USD/ounce
Theo giới phân tích, một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh giá việc tổ chức này bơm tiền ra thị trường mỗi tháng 120 tỉ USD, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 không còn hiệu quả.
Vì thế, FED dự kiến giảm dần nguồn cung tiền mặt vào tháng 11-2021 và có thể tăng lãi suất cơ bản vào cuối năm 2022, nhằm kéo lạm phát lùi về mục tiêu đã đặt ra là 2%. Khi đó, USD có thể tăng giá rất mạnh, tạo áp lực lên giá vàng thế giới.